Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm đầy đủ khung pháp lý cho việc quản lý Nhà nước cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch và giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân để thu hút nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số nơi làm chưa tốt, chưa vận dụng đúng luật, linh hoạt và minh bạch dẫn tới việc thực thi TTHC đất đai còn nhiều hạn chế.
Xử lý ở các cấp chưa thông suốt
Thời gian qua, TTHC về đất đai đã tích cực được rà soát, bãi bỏ một số thủ tục hoặc công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) theo hướng bãi bỏ một số công việc thuộc thẩm quyền của cấp xã trước đây, như xác nhận tình trạng tranh chấp đối với trường hợp đăng ký, cấp GCN mà người sử dụng có giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (đây là nội dung gây nhiều ách tắc nhất trong quá trình cấp GCN trước đây); lập phương án giao đất, lập Hội đồng tư vấn giao đất của xã trong trường hợp giao đất cho hộ gia đình, cá nhân tại nông thôn. Tất cả mọi thủ tục làm sổ đỏ đều đã được đơn giản đến mức tối đa.
Việc công bố công khai bộ TTHC cũng như các khoản phí và lệ phí phải nộp đã khắc phục được tình trạng “cò mồi”, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi trong việc thu hút nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức giải quyết TTHC về đất đai cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn nhiều địa phương cho thấy vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, sự phối hợp giữa Văn phòng Đăng ký đất đai với các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết các TTHC về đất đai còn chậm, chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả chưa cao dẫn đến còn có hồ sơ quá hạn, còn để tổ chức, cá nhân đi lại nhiều lần; việc lưu trữ, cung cấp mã số GCN quyền sử dụng đất đối với trường hợp cấp lại, cấp đổi cho tổ chức, cá nhân còn khó khăn ảnh hưởng đến việc giải quyết TTHC…
Nguyên nhân được nhiều địa phương lý giải là do hồ sơ địa chính được lập qua các thời kỳ không được cập nhật biến động thường xuyên, đặc biệt là việc cấp GCN quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993 từ năm 1993 đến 2004 hồ sơ không được lưu trữ đầy đủ, có trường hợp GCN quyền sử dụng đất được cấp trên cơ sở kê khai của người sử dụng đất dựa trên tất cả các loại bản đồ, thậm chí chỉ là sơ đồ hiện có tại thời điểm cấp giấy, dẫn đến sai số; nhiều trường hợp người sử dụng đất tự ý chuyển đổi, chuyển mục đích, sử dụng đất không đúng ranh giới… dẫn đến sự sai lệch giữa hồ sơ pháp lý và thực tế sử dụng.
Bên cạnh đó, tài liệu hồ sơ lưu trữ và được bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố, thị xã không đầy đủ; sổ địa chính, sổ cấp giấy nhiều quyển bị ố nhòe, rách nát, mất thông tin về thửa đất; một số GCN không có bản lưu trong hồ sơ, thông tin về chủ sử dụng đất trước đây không đầy đủ… gây khó khăn cho việc giải quyết các hồ sơ đăng ký biến động đất đai.
Mặt khác, số lượng hồ sơ TTHC về đất đai hàng năm là rất lớn, trong khi đó nhân lực, vật lực của Văn phòng Đăng ký đất đai ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đơn giản hóa TTHC
Để tháo gỡ khó khăn cho các Văn phòng Đăng ký, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai với rất nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành. Trong đó, quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại GCN là Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung thêm Chi nhánh Văn phòng đất đai có thể giải quyết các vấn đề này, khác với trước đây người dân chỉ có thể tới Văn phòng Đăng ký mới được giải quyết.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cho thấy, tỷ lệ người dân phản ánh có tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục cấp GCN năm 2018 giảm 29% so với năm 2015. Chất lượng dịch vụ cung cấp dịch vụ công trong cấp GCN tăng từ 2,64 điểm năm 2016 lên 3,49 điểm (thang điểm 4) năm 2018.
Trung bình mỗi năm, cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, cấp huyện tiếp nhận và giải quyết hơn 4,5 triệu TTHC. Một số địa phương đã thực hiện dịch vụ công về đất đai trên môi trường điện tử thông qua Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh như: Đồng Nai, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Long An…, thử nghiệm nền tảng để kết nối tới Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định đối với trường hợp Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp mới, cấp đổi, cấp lại GCN theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục được thực hiện theo thỏa thuận giữa người có nhu cầu và Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nhưng không quá thời gian thực hiện thủ tục do UBND cấp tỉnh quy định…
Gần đây nhất, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 09 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã hướng dẫn khi người dân đi làm sổ đỏ thì không cần nộp bản sao các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, căn cước, sổ hộ khẩu mà sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Quy định mới này phù hợp với chủ trương đơn giản hóa TTHC, giúp người dân không cần mang theo nhiều loại giấy tờ khi đi làm các thủ tục, thay vào đó sử dụng dữ liệu trong hệ thống Cơ sở dữ liệu điện tử.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến TTHC trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.