Nước ta đang bước vào khoảng thời gian tập trung nhiều loại hình thiên tai của năm 2021. Dự báo, mưa lũ ở Bắc Bộ năm nay sẽ đến muộn hơn, trong khi xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), nắng nóng chỉ còn xuất hiện cục bộ ở Bắc Bộ trong tháng 9…
Để làm rõ hơn các thông tin thời tiết và thiên tai nổi bật trong những tháng còn lại của năm 2021, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia.
PV: Chúng ta vừa trải qua tháng 8 có nhiều ngày nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung. Vậy dự báo sang tháng 9 còn đợt nắng nóng nào nữa không và liệu nắng nóng có còn gay gắt không, thưa ông?
Ông Hoàng Phúc Lâm:
Từ ngày 7-8, chúng ta đã bước vào tiết Lập thu và sang tháng 9 là tháng mùa Thu, vì thế nhiệt độ trên cả nước đều có xu hướng giảm; như tại Hà Nội, nhiệt độ trung bình tháng 8 là 29,1 thì sang tháng 9 nhiệt độ trung bình giảm còn 28,3 độ. Dự báo trong tháng 9 ở Bắc Bộ nắng nóng chỉ còn xảy ra cục bộ một số nơi; trong khi ở các tỉnh miền Trung vẫn có khả năng xuất hiện các đợt nóng diện rộng nhưng ngắn vài ba ngày và cường độ không gay gắt, với mức nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-37 độ và nắng gắt nhiệt độ cao trên 38 độ chỉ còn xảy ra cục bộ một vài nơi.
PV: Đến thời điểm này, mưa lũ ở miền Bắc cũng xuất hiện khá ít. Ông nhận định ra sao về tình hình mưa lũ ở miền Bắc và miền Trung trong tháng 9?
Ông Hoàng Phúc Lâm:
Dự báo trong tháng 9 sẽ có khoảng 2-3 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có từ 1-2 xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng tới đất liền nước ta, trọng tâm là khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Dự báo mùa mưa năm nay ở các tỉnh miền Bắc sẽ tập trung trong giai đoạn tháng 9 và đầu tháng 10; tổng lượng mưa tháng 9-10/2021 ở Bắc Bộ cao hơn TBNN từ 10-25%; tác tỉnh miền Trung, trọng tâm là khu vực Trung và Nam Trung Bộ sẽ có mưa tăng dần trong tháng 9.
Như vậy, mưa lũ khu vực Bắc Bộ năm 2021 đến muộn hơn nhiều so với TBNN, muộn hơn năm 2020.
Đỉnh lũ cao nhất tháng 9-10/2021 trên các sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động (BĐ)1, riêng các sông suối nhỏ có thể lên tới mức BĐ1-BĐ2. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình ở mức dưới BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Nguồn nước đến các hồ thủy điện lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng cũng ở mức thấp, dung tích các hồ phổ biến chỉ ở mức 40-60% so với dung tích thiết kế, thấp hơn năm 2020. Mực nước trên các sông phổ biến đều thấp hơn năm 2020, trong đó mực nước thấp nhất tại Hà Nội hạ lưu sông Hồng trong tháng 8 thấp hơn năm 2020 khoảng 80 cm, thấp hơn mức BĐ1 rất nhiều (7,7m).
Trong tháng 9, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu các sông chính đạt mức BĐ1-BĐ2.
PV: Đó là diễn biến tháng 9, vậy từ giờ đến cuối năm diễn biến thời tiết và thiên tai có gì đáng chú ý, thưa ông?
Ông Hoàng Phúc Lâm:
Dự báo từ nay đến hết năm còn khoảng từ 7-9 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và có từ 3-4 xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Theo nhận định của chúng tôi, mùa mưa lũ ở miền Bắc sẽ tập trung trong khoảng từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10; còn ở miền Trung, các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài sang tháng 12/2021, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ với lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 15-30%.
Như vậy, mùa lũ ở khu vực Trung Bộ cũng đến muộn hơn so với TBNN, với đỉnh lũ đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Thời gian lũ lớn trùng với thời điểm xảy ra các đợt mưa lớn trong giai đoạn từ tháng 10 tới đầu tháng 12/2021, tại vùng các tỉnh Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Chúng tôi đặc biệt lưu ý các tỉnh từ Quảng Bình đến đến Khánh Hòa là những địa phương được dự báo trọng tâm mưa và lũ lớn cùng với nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
PV: Thưa ông, dự báo diễn biến không khí lạnh từ nay đến cuối năm sẽ thế nào?
Ông Hoàng Phúc Lâm:
Hàng năm, giai đoạn cuối tháng 9 vẫn có các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta, nhưng các đợt không khí lạnh đầu mùa này không tràn sâu xuống nước ta làm trời trở lạnh mà thường tạo ra những rãnh áp thấp tác động gây mưa đến miền Bắc. Năm nay, chúng tôi dự báo không khí lạnh đến sớm, thời điểm nửa cuối tháng 9 sẽ có các đợt không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống nước ta, tạo ra các rãnh áp thấp mạnh mà trong chuyên môn gọi là rãnh gió mùa gây mưa dông mạnh, thậm chí mưa vừa, mưa to ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ kèm theo gió Đông Bắc khiến nhiệt độ giảm thấp. Sang tháng 10 và tháng 11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới nước ta nhiều hơn và cao điểm sẽ là tháng 12/2021 và tháng 1/2022.
PV: Đó là diễn biến thời tiết và thiên tai ở Bắc Bộ và Trung Bộ; còn với Nam Bộ, nhận định sớm về nguồn nước và hạn mặn năm nay ở ĐBSCL ra sao, thưa ông?
Ông Hoàng Phúc Lâm:
Trong mùa khô 2021-2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu khả năng thấp hơn TBNN (thời kỳ từ 2012-2020) từ 5-10%. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020.
Lũ ở trên sông Mê Công đến muộn. Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức BĐ1 và xuất hiện vào giữa tháng 10; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.
Trân trọng cảm ơn ông!