Những năm qua Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp hàng trăm ngàn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất.
Báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc Hội mới đây về thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy, nước ta vẫn còn 58.000 hộ dân thiếu đất ở và 303.578 hộ thiếu đất sản xuất. Những con số này cho thấy vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều vướng mắc cần được quan tâm nghiêm túc và có giải pháp triệt để hơn.
Để tìm hiểu cụ thể về vấn đề hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm sao để có đất ở, đất sản xuất, Báo TN&MT sẽ giới thiệu các chính sách về nội dung này.
Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Điều 27 Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện để giao đất, cho thuê đất được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013. Theo đó, có 2 căn cứ để giao đất, cho thuê đất là: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Về các trường hợp giao đất, cho thuê đất, tùy vào loại đất mà Nhà nước sẽ lựa chọn giao đất hoặc cho thuê đất, chẳng hạn theo Khoản 1, Điều 54 Luật Đất đai 2013: nếu hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, tuy nhiên nếu đó là đất ở thì Nhà nước sẽ tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất theo Khoản 1, Điều 55 Luật Đất đai 2013.
Về hạn mức cho thuê đất, căn cứ theo Điều 129 Luật Đất đai 2013 thì hạn mức đối với từng loại đất và ở từng địa phương sẽ khác nhau, như theo Khoản 2 quy định: Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi; Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất (Đất rừng phòng hộ; Đất rừng sản xuất)
Về thẩm quyền giao đất, cho thuê dất, đối với hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 59 Luật Đất đai 2013 thì UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.
Cần những giải pháp toàn diện từ việc cải thiện khung chính sách và cơ chế thực hiện lĩnh vực đất đai.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 7/2020, diện tích đất nông lâm trường mà các công ty lâm, nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương từ khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2004 đến nay đạt hơn 1 triệu héc ta (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565ha; Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha).
Tuy nhiên, diện tích đất từ các nông, lâm trường trả về địa phương mới chỉ thi hành mang tính mệnh lệnh trên giấy, còn triển khai thực địa chưa làm được; tỷ lệ đất giao cho người dân cũng rất ít.
Trước những vấn đề trên, để đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được và sử dụng đất đai một cách bền vững cần những giải pháp toàn diện từ việc cải thiện khung chính sách và cơ chế thực hiện. Từ đó tháo gỡ những vướng mắc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, yên tâm an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.