Đại dịch COVID-19 ập đến không chỉ kéo theo những thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế, mà còn âm ỉ phá vỡ những nỗ lực chung của toàn xã hội để giảm thiểu gánh nặng của rác thải nhựa với môi trường sống.
Khủng hoảng dịch bệnh đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân. Không thể phủ nhận, vai trò của nhựa sử dụng một lần đã là cứu cánh trong cuộc chiến chống lại COVID-19, nhất là các thiết bị bảo hộ y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Dễ nhận thấy là từ khi dịch bệnh xuất hiện đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của mọi tầng lớp trong xã hội. Tâm lý lo ngại lây lan của dịch bệnh đã kéo theo xu hướng sử dụng đồ nhựa dùng một lần “lên ngôi”. Trong cơn lốc bủa vây của COVID-19, ý thức, trách nhiệm chống rác thải nhựa đã không được người dân tuân thủ nghiêm ngặt trước đó.
Chống rác thải nhựa không phải là vấn đề mới, bởi chúng ta đã có đủ thời gian và sự tỉnh táo để nhận thức về những nguy hại của loại rác này đối với môi trường. Việt Nam đứng thứ 4 trong top 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới không còn xa lạ. Trung bình mỗi ngày, chúng ta thải ra 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó, chỉ một phần nhỏ được tiêu hủy, xử lý, còn lại vương vãi ra môi trường. Hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã phải phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa” kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường. Nhưng dịch COVID-19 kéo dài dai dẳng, có nguy cơ đưa phong trào này quay trở lại điểm xuất phát.
COVID-19 thường được mô tả là một cú sốc đột ngột với nhân loại. Và giải quyết vấn đề rác thải nhựa - một bài toán cũ nay lại càng khó hơn trong bối cảnh cam go này. Sẽ rất đáng lo, nếu phong trào chống rác thải nhựa chững lại thì tác hại đối với môi trường sẽ rất lớn. Thực tế đặt ra việc chống rác thải nhựa không thể chỉ là chiến dịch cao điểm, mà phải là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa thường xuyên và lâu dài.
Một giây vứt bỏ nhựa ra môi trường phải đổi lại hơn 1.000 năm để chúng phân hủy. Thế nên, một giây “nghĩ xanh” chúng ta đã góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường sống trên Trái đất. Cần giữ vững lối sống xanh ngay trước, trong và sau đại dịch COVID-19.