Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí sau khi nhận thấy, ô nhiễm không khí hiện là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với cuộc sống con người, dẫn đến 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Hướng dẫn này nhằm mục đích bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí và được các Chính phủ sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những tiêu chuẩn ràng buộc về mặt pháp lý.
Lần gần đây nhất WHO đã ban hành hướng dẫn về chất lượng không khí vào năm 2005. Sau 16 năm, WHO nhận định rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe nguy hiểm hơn trước đây.
WHO cho rằng việc con người sinh sống lâu dài trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, thậm chí ở dưới mức khuyến nghị, cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch và đột quỵ, những bệnh ước tính khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm.
Nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm không khí được đánh giá ngang bằng với những rủi ro sức khỏe toàn cầu lớn khác mà chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá gây ra.
Hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí (CLKK) 2021 đưa ra ngưỡng CLKK đối với 6 chất ô nhiễm không khí chính, có tác động lớn tới sức khỏe. Đồng thời, khuyến nghị 194 nước thành viên giảm tối đa nồng độ những chất gây ô nhiễm không khí theo mức mà tổ chức này vừa điều chỉnh. Trong đó có bụi mịn và NO2 (nitơ dioxide), hai hợp chất sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo hướng dẫn mới, WHO đã giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hằng năm được khuyến nghị từ 10 mcg/m3 xuống 5 mcg/m3. WHO cũng giảm mức giới hạn nồng độ bụi mịn PM10 được khuyến nghị từ 20mcg/m3 xuống 15 mcg/m3.
WHO cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại giảm xuống mức được đưa ra trong hướng dẫn mới nói trên, thế giới có thể tránh được 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn PM2.5.
Mặc dù các nhà khoa học hoan nghênh các hướng dẫn mới, nhưng lo lắng rằng một số quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện, do phần lớn thế giới không đáp ứng được các tiêu chuẩn cũ hơn, ít nghiêm ngặt hơn.
Hiện ở Liên minh Châu Âu, nơi có các tiêu chuẩn cao hơn đáng kể so với các khuyến nghị cũ của WHO, một số quốc gia đã thất bại giữ mức ô nhiễm trung bình hàng năm trong giới hạn luật định vào năm 2020 (ngay cả khi ngành công nghiệp và giao thông ngừng hoạt động do đại dịch coronavirus).