Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện tại bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, gần biển Đông đã xuất hiện bão số 8 (Kompasu) có tốc độ di chuyển nhanh, mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, để từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế.
Báo cáo tại cuộc họp ứng phó với bão số 7 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì ngày 10-10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện tại bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Tuy nhiên, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 10-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam Quảng Ninh, cách Hải Phòng khoảng 100km, cách Nam Định khoảng 150km, cách Thanh Hóa khoảng 260km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm ATNĐ.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Đến 22 giờ ngày 10-10, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông. Cường độ ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ, lượng mưa có nơi lên tới hơn 250mm.
Ông Trần Quang Hoài báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão số 7.
Báo cáo về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với bão số 7, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, cơn bão này diễn biến phức tạp, hình thành từ ngày 5-10. Ban đầu, cơ quan dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nhưng hiện nay bão lại ngược lên phía bắc, dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.
Theo ông Hoài, mặc dù bão số 7 được đánh giá không mạnh nhưng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ứng phó.
Cụ thể, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho hơn 61.000 phương tiện, với gần 280.000 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai thông tin, các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huống bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: hơn 41.000 hộ, với hơn 151.000 người; Quảng Bình - Phú Yên: hơn 71.000 hộ, với 256.000 người).
Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ trong khoảng 10 ngày tới, do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương để thông báo cho người dân, bảo đảm an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch.
Về việc bảo đảm an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê tránh dịch, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Ban Chỉ đạo đã có công văn gửi tới các tỉnh, thành phố, những nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho bà con nắm được diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới.
"Không cấm bà con về quê, nhưng thông báo cho bà con nắm được thông tin thời tiết 10 ngày tới, từ đó để bà con có thể lùi thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro thiên tai", ông Hiệp nói.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7. Bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục mưa lớn cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8, bởi cơn bão này được dự báo mạnh hơn.
Phó Thủ tướng ghi nhận, từ Trung ương đến địa phương đã rất quyết liệt, chủ động ứng phó với bão số 7, nên tính đến thời điểm này thiệt hại do bão số 7 là không đáng kể.
Về vấn đề các tàu, thuyền cố tình ở lại trên biển cho đủ 15 ngày mới được nhận hỗ trợ tiền dầu, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu vấn đề này, từ đó có đề xuất tháo gỡ vấn đề này.
Đối với bão số 8, Phó Thủ tướng đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, để từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế hơn.