Sông Cầu (còn có tên gọi khác là Như Nguyệt) là phụ lưu quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Dòng sông hàm ý đẹp như trăng đã đi vào lịch sử, là chủ đề của nhiều tác phẩm âm nhạc và thơ ca. Đối với mỗi người dân Thái Nguyên, sông Cầu thơ mộng, hiền hoà từ lâu trở thành mạch nguồn gắn kết và là tiềm thức của rất nhiều thế hệ.
Có một điều khá đặc biệt là sông Cầu hoàn toàn chảy trong nội địa. Từ điểm khởi nguồn là huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đến nơi kết thúc, hợp nhất với sông Thái Bình ở Chí Linh (Hải Dương), sông Cầu nằm gọn trong lòng đất nước, ôm lấy những bờ tre, ruộng lúa quê hương. Dòng sông hiền hoà, dòng nước bắt nguồn từ những cánh rừng sâu, núi cao trùng điệp nên xanh trong, mát lành.
Sự phát triển nhanh chóng đô thị, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong lưu vực đã phát sinh nhiều chất thải, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Cầu. Chính vì lý do này mà từ năm năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; nhiệm vụ là tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng để thống nhất thực hiện các nội dung của Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2006.
Từ khi thành lập Uỷ ban tới nay, hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các nghị định triển khai Luật được ban hành, trong đó có nội dung bảo vệ môi trường nước sông; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông; đánh giá sức chịu tải và xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến bảo vệ môi trường lưu vực sông là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm triển khai Đề án.
Các tỉnh trong lưu vực sông Cầu cũng ban hành hơn 100 văn bản thực thi tại địa phương, tập trung vào xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt. Cụ thể, cả 6/6 tỉnh trong lưu vực đã xây dựng, phê duyệt và thực hiện “Kế hoạch triển khai Đề án sông Cầu 2014-2015 và 2016-2020" trên địa bàn; phê duyệt và triển khai thực hiện 18 dự án liên quan.
Quan trắc, kiểm tra chất lượng nguồn nước của một phụ lưu sông Cầu.
Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường và của các địa phương cho thấy, trong giai đoạn 2006-2020, trong bối cảnh phát triển công nghiệp, sản xuất và đô thị gia tăng mạnh mẽ, chất lượng nước trên lưu vực Cầu đã được duy trì, dù chưa được cải thiện rõ rệt trên toàn lưu vực. Chất lượng nước sông ở nhiều nơi đạt mức tốt, có thể sử dụng cho sinh hoạt.
Là một trong những tỉnh thành viên tích cực của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, Thái Nguyên đã sớm triển khai các đề án bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sông Cầu… Đồng thời tăng cường quản lý các nguồn thải đổ ra môi trường sông suối là phụ lưu của sông Cầu.
Tỉnh cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư, trích ngân sách xây dựng trạm quan trắc nước tự động đặt tại các khu vực nhạy cảm như cửa xả nước thải ra môi trường sông, suối chảy thuộc phụ lưu sông Cầu. Yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết bảo vệ môi trường, theo dõi phân tích kết quả nước thải thông qua hệ thống truyền tải thông tin dữ liệu quan trắc tự động để có biện pháp kịp thời ngăn chặn các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu.
Sông Cầu bắt nguồn từ xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; có chiều dài 290km và diện tích lưu vực khoảng 6.030km². Con sông cung cấp nguồn nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân thuộc 6 tỉnh là: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Sông Cầu chảy vào Thái Nguyên tại địa phận xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) và ra khỏi tỉnh tại địa phận xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên). |
Theo đánh giá, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và hoàn thiện được hệ thông cơ chế chính sách nhằm khai thác các nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan sông Cầu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong lưu vực; khôi phục và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái ven sông Cầu. Bảo toàn được diện tích rừng hiện có và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 53%. Các cơ sở sản xuất mới đều phải đảm bảo sử dụng công nghệ sạch, hoặc có công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo.
Cũng theo đánh giá của Sở Tài Nguyên - Môi trường Thái Nguyên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì điểm hạn chế là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý của các địa phương trên lưu vực sông Cầu còn chưa đồng bộ, chặt chẽ; chưa có quy định về chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường và cơ chế kiểm soát nguy cơ ô nhiễm liên tỉnh trong bối cảnh các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, cũng như tình trạng du nhập công nghiệp lạc hậu, công nghệ tiềm ẩn ô nhiễm cao.
Ngoài ra, quy hoach quản lý nguồn nước của toàn bộ lưu vực sông Cầu cũng chưa có dẫn đến thiếu thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị: Để bảo vệ tốt nguồn nước sông Cầu cần thống nhất trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý lưu vực sông; quản lý chất lượng nước sông Cầu trên toàn bộ lưu vực để thống nhất sử dụng tài nguyên nước và cấp phép xả thải của các địa phương. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy các chương trình, dự án liên vùng; phối hợp giải quyết các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, nhất là các vụ việc có quy mô, tính chất liên vùng, liên tỉnh trong lưu vực sông Cầu…