Cùng với quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa ở những địa phương nơi dòng sông Cầu chảy qua đã tác động không nhỏ đến nguồn nước con sông. Để dòng nước sông Cầu mãi xanh, một trong những giải pháp mà Thái Nguyên đưa ra là nâng cao ý thức người dân.
Sông Cầu khởi nguồn từ những dãy núi cao ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) rồi hòa nhịp với hàng ngàn khe nước lớn nhỏ, chảy qua 6 tỉnh với chiều dài gần 600km. Dòng sông không chỉ đem lại nguồn thủy sản phong phú cho người dân các địa phương nằm dọc đôi bờ mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ sinh hoạt (sản xuất nước sạch) và nông nghiệp, công nghiệp cho các địa phương…
Sự phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa nhanh đã có tác động mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước sông Cầu, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 171/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, gồm 6 tỉnh trong lưu vực nhằm tập trung thống nhất đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Cầu…
Dọc sông Cầu, đoạn chảy qua địa phận Thái Nguyên, ngoài nhiều khu dân cư tập trung đông đúc thì diện tích cây lúa, chè rất lớn nên việc sử dụng thuốc hóa học để trừ cỏ, trừ sâu khá phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước.
Đã có những thời điểm, rác thải trôi dạt rất nhiều trên sông, trong đó, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật cũng được người dân ném xuống. Cùng với đó, nhiều trạng trại chăn nuôi, nhà máy, xí nghiệp cũng xả thải trực tiếp xuống sông Cầu gây ô nhiễm nguồn nước.
Trở lại xã Minh Lập (Đồng Hỷ) mới đây, chúng tôi không còn thấy cảnh túi nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vậy tràn lan ở đường, trên nương chè. Đây là địa phương có dòng sông Cầu chảy qua, nguồn nước sông chứa nặng phù sa đã giúp cây chè nơi đây thêm xanh tốt.
Bà Bùi Thị Loan, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Địa phương có diện tích chè rất lớn nên có thời điểm, bà con sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật xong thì vứt bao bì khắp nơi, mỗi khi trời mưa to là trôi xuống sông Cầu. Tuy nhiên, khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đặt hàng trăm bể bê tông ở các nương chè để chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Giải pháp này cùng với công tác tuyên truyền đã giúp nâng cao đáng kể ý thức người dân, tình trạng vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật không còn phổ biến.
Còn ông Lý Văn Mão, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (Đông Hỷ) thông tin: Dọc sông Cầu, đoạn qua địa bàn xã, người dân phát triển mạnh cây chè. Vì vậy, trong các chương trình tập huấn, chính quyền địa phương thường phối hợp với các đơn vị lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không vứt rác xuống sông.
Bà Nguyễn Thị Quyên, ở tổ 9, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) nói: Khoảng 5 năm về trước, vào mùa khô, nước sông Cầu xuống thấp, rác thải nhựa rất nhiều trên mặt nước, nhưng gần đây tôi thấy ít hơn hẳn…
Bà Hoàng Thị Liên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: Bảo vệ nguồn nước sông Cầu, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân, doanh nghiệp có nguồn thải trực tiếp, gián tiếp ra sông. Với tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, nông nghiệp như hiện nay mà chất lượng nước sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo loại A là điều vô cùng ý nghĩa, thể hiện nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Một trong những giải pháp mà cơ quan chức năng đưa ra là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành của mọi tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Riêng giai đoạn từ 2006 -2020, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng trăm trường hợp xả chất thải chưa được xử lý ra sông Cầu, với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đến cán bộ làm công tác môi trường ở cấp huyện, xã. Các hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường cũng đa dạng, hiệu quả hơn.
Nguồn nước sông Cầu có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc lưu vực sông. Mặc dù các cấp, ngành đã và đang nỗ lực bảo vệ môi trường nước sông nhưng để dòng nước sông Cầu mãi xanh mát thì cần sự chung tay của mọi người…