Mặc dù bị các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động từ ngày 10-11-2021 nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tạm dừng, cơ sở giết mổ gia súc trái phép của ông Trần Ngọc Soái và ông Trần Văn Út, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên), lại tiếp tục hoạt động. Điều đáng nói, cơ sở sở giết mổ này tồn tại trong khu dân cư gần chục năm nay, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và xả thải trực tiếp ra dòng sông Cầu nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương sau khi kiểm tra, phát hiện vi phạm lại cho thấy nhiều điểm khuất tất và thiếu trách nhiệm.
Ngang nhiên hoạt động dù đã bị đình chỉ
23 giờ đêm, khi người dân xóm Bến Đò đang chìm trong giấc ngủ thì bỗng nhiên bị đánh thức bởi tiếng kêu “xé tai” của những con lợn bị giết thịt tại cơ sở giết mổ của gia đình ông Soái và ông Út. Cùng với đó là âm thanh của những máy khò công suất lớn và mùi khét lẹt bốc lên rất khó chịu.
Anh Ngô Văn Lục, người dân xóm Bến Đò bức xúc nói: Chúng tôi vừa mới vui mừng khi cơ sở giết mổ này bị đình chỉ hoạt động chưa được bao lâu thì nó hoạt động trở lại. Thời gian gần đây, cơ sở này còn hoạt động mạnh hơn trước, suốt từ 23 giờ đêm hôm trước đến sáng sớm hôm sau.
Trước đó, Báo Thái Nguyên đã đăng tải bài viết “Cơ sở giết mổ xả thải trực tiếp ra sông Cầu” phản ánh về việc cơ sở giết mổ gia súc của ông Trần Ngọc Soái và ông Trần Văn Út hoạt động trái phép trong khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở đây. Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vấn đề chưa được xử lý dứt điểm.
Sau khi báo đăng, ngày 6-11, UBND xã Linh Sơn tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ này. Qua kiểm tra, chính quyền địa phương phát hiện cơ sở không có giấy phép hoạt động giết mổ động vật; tập kết, giết mổ lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trên cơ sở đó, ngày 9-11, UBND xã Linh Sơn lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu cho UBND T.P Thái Nguyên ra Quyết định xử phạt chủ cơ sở giết mổ với tổng số tiền phạt 14 triệu đồng; yêu cầu buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh (18 con).
Bể chứa chất thải ngầm được xây dựng bên dưới nền chuồng lợn.
Ngay sau đó, UBND xã Linh Sơn và các cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên đã yêu cầu đình chỉ hoạt động cơ sở giết mổ gia súc của ông Soái và ông Út từ ngày 10-11-2021 cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đồng thời yêu cầu ông Soái và ông Út không được tập kết, mua bán gia súc về địa điểm giết mổ nằm trên địa bàn xóm Bến Đò.
Qua theo dõi của phóng viên Thái Nguyên, sau khi bị đình chỉ, cơ sở giết mổ của ông Soái và ông Út chỉ tạm dừng hoạt động khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, cơ sở đã tiến hành xây dựng hàng rào, be bịt tôn kín xung quanh, lắp camera theo dõi và xây dựng bể chứa chất thải ngầm bên dưới nền chuồng lợn. Bể chứa chất thải này được đấu nối với hệ thống đường ống chôn sâu dưới lòng đất dẫn thẳng xuống lòng sông Cầu.
Từ đầu tháng 12-2021 đến nay, mặc dù chưa được cấp phép hoạt động trở lại nhưng cơ sở giết mổ này vẫn ngang nhiên tập kết lợn và tiến hành giết mổ trái phép bất chấp sự phản đối của những hộ dân xung quanh.
Nhiều khuất tất cần làm rõ
Trực tiếp theo dõi quá trình xử lý cơ sở giết mổ trái phép nêu trên, phóng viên Báo Thái Nguyên phát hiện nhiều điểm khuất tất, thể hiện sự “hời hợt”, thiếu trách nhiệm của chính quyền xã Linh Sơn.
Cụ thể, tại buổi kiểm tra ngày 6-11, UBND xã Linh Sơn phát hiện hoạt động tập kết, giết mổ gia súc không có giấy phép của 2 hộ gia đình (ông Soái và ông Út) tại cùng một cơ sở nhưng UBND xã chỉ lập biên bản vi phạm hành chính, tham mưu UBND T.P Thái Nguyên xử phạt ông Soái.
Đường ống dẫn nước thải từ bể chứa ngầm xuống thẳng sông Cầu đã được đổ bê tông kiên cố và lấp kín bằng đất đá.
Thêm nữa, kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở giết mổ này đang tập kết, nuôi nhốt 25 con lợn có xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi nhưng sau đó chỉ có 18 con lợn bị buộc phải tiêu hủy. 7 con lợn còn lại cùng nằm trong một khu vực chuồng trại rất có thể đã mắc bệnh nhưng lại không bị tiêu hủy. Người dân phản ánh, 7 con lợn này sau đó được chủ cơ sở giết mổ vận chuyển đi nơi khác, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Cũng tại buổi kiểm tra vào ngày 6-11, mặc dù chủ cơ sở giết mổ khai nhận việc xả thải trực tiếp ra sông Cầu nhưng Đoàn kiểm tra của xã Linh Sơn không tiến hành lấy mẫu nước thải để đưa đi giám định. Sự “tắc trách” này sau đó khiến cho các cơ quan chức năng không có đủ căn cứ để xử lý cơ sở giết mổ về hành vi xả thải ra trực tiếp môi trường.
Ông Mặc Vinh Chính, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Việc xử lý hành vi xả thải ra môi trường phải căn cứ vào kết quả giám định chất lượng nguồn nước thải. Theo quy định, tùy theo hàm lượng chất thải sẽ có mức xử phạt khác nhau. Việc không lấy mẫu nước thải tại thời điểm kiểm tra để đưa đi giám định khiến cơ quan công an không có đủ căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.
Thịt lợn từ cơ sở giết mổ không phép này được vận chuyển bằng xe máy đến chợ đầu mối Túc Duyên để tiêu thụ.
Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, chúng tôi thấy quá trình tiêu hủy số lợn mắc bệnh được UBND xã Linh Sơn thực hiện chưa nghiêm túc. Trong suốt quá trình tiêu hủy lợn, phóng viên không hề thấy cán bộ chuyên môn của xã Linh Sơn tiến hành cân trọng lượng theo quy định. Biên bản tiêu hủy cũng để trống phần ghi trong lượng của số lợn bị tiêu hủy. Trong số 18 con lợn bị đưa đi tiêu hủy, phần lớn đều là lợn nhỏ (trọng lượng 30-40kg), không đúng với kết quả kiểm tra ngày 6-11 (toàn bộ đều là lợn nái đã qua thời kỳ sinh sản, trọng lượng trung bình 1,8 tạ/con).
Ông Hoàng Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn, người trực tiếp chỉ đạo công tác tiêu hủy, cho biết: Chúng tôi đã giao cho 1 đồng chí công an viên túc trực 24/24 giờ tại cơ sở giết mổ để giám sát không cho chủ cơ sở đưa số lợn mắc bệnh ra bên ngoài, nhưng có thời điểm đồng chí công an viên về nhà ăn cơm...
Những khuất tất và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền xã Linh Sơn trong quá trình kiểm tra, xử lý cơ sở giết mổ trái phép của gia đình ông Soái và ông Út khiến dư luận nghi vấn phải chăng có sự bao che, dung túng của chính quyền địa phương?. Bởi thế mà cơ sở giết mổ trái phép này dù đã bị đình chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại.
Dư luận đang chờ câu trả lời từ chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.