Chủ trương của Đảng về đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Nghị quyết số 19-NQ/TW đã được thể chế trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, đến nay công tác này đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải được nghiên cứu bổ sung, đổi mới, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
12 nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Theo TS. Nguyễn Đắc Nhẫn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), thể chế hóa Nghị quyết 19/NQ/TW, pháp luật đất đai đã quy định12 nội dung về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm: nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Căn cứ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định và thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện và việc báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Các quy định của Luật Đất đai 2013 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ hơn. Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có những bước tiến rõ rệt và đạt được những kết quả tích cực. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quản lý nhà nước về đất đai hiệu quả và là một trong những giải pháp lớn để sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội theo chiều hướng hội nhập trong thế giới phẳng hiện nay, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển nên các quy định của pháp luật đất đai về công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung, về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải được nghiên cứu bổ sung, đổi mới, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.
Quy hoạch phải đảm bảo cân bằng giữa “tĩnh” và “động”
“Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là quy hoạch ở cấp vĩ mô, do vậy nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải mang tính định hướng, tổng quát và có tầm chiến lược quốc gia; phải đảm bảo tính ổn định và đồng bộ, có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”.
Đó là một trong những nhận định của nhóm nghiên cứu Đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia "Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững" và do Viện Nghiên cứu quản lý đất đai chủ trì thực hiện.
Liên quan đến việc đổi mới nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đề tài chỉ ra rằng, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần khoanh định và phân bổ nguồn lực đất đai của cả nước theo các khu vực đặc thù để quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả, gồm: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; Khu vực ổn định mục đích sử dụng (Khu vực tĩnh); Khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất và Khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất (Khu vực động). Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phải đảm bảo tính liên vùng trong sử dụng đất để khai thác sử dụng có hiệu quả cao nhất công năng của các công trình hạ tầng (như sân bay, bến cảng, nhà ga, hệ thống giao thông, công trình năng lượng…) các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch…
Xác định không gian sử dụng đất cho các mục tiêu
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đề xuất nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia như sau: phải phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng; Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp; xác định định hướng sử dụng đất dài hạn; Xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch.
Các nhà khoa học đã đề xuất xây dựng bộ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có tính đến yếu tố liên vùng và các tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất đối với từng cấp. Ngoài ra, đề xuất 15 phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Nghiên cứu hoàn thiện phần mềm hỗ trợ xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất và ứng dụng GIS, phương pháp phân tích đa chỉ tiêu hỗ trợ lựa chọn phương án quy hoạch sử dụng đất tối ưu đảm bảo quản lý, sử dụng đất hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt phải xác định không gian sử dụng đất cấp quốc gia (chỉ tiêu, diện tích, ranh giới các khu vực) cần bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái. Gồm diện tích, ranh giới các loại đất: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Xác định không gian sử dụng đất cấp quốc gia (chỉ tiêu, diện tích, ranh giới các khu vực hiện hữu) ổn định mục đích sử dụng nhằm bảo tồn, tôn tạo các công trình lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc, như: đô thị cổ, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng...; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Gồm: đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao, đất khu chế xuất, đất phát triển hạ tầng, đất có di tích lịch sử - văn hóa, đất danh lam thắng cảnh, đất bãi thải, xử lý chất thải, đất khu kinh tế, đất khu đô thị.
Xác định diện tích đất chưa sử dụng có thể khai thác đưa vào sử dụng cho cácmục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp trong kỳ quy hoạch; diện tích, ranh giới các khu vực đất bãi bồi ven biển, ven các đảo, quần đảo, khu lấn biển.
Xác định diện tích, cơ cấu và khoanh định không gian sử dụng các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia theo khu chức năng, gồm: Đất khu kinh tế, Đất khu công nghệ cao, Đất đô thị và Đất khu du lịch; Xác định không gian ngầm cấp quốc gia và liên tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng T.P. Hồ Chí Minh.