Nhựa không phải là chất thải. Nhựa chỉ là chất thải khi không được quản lý tốt. Rác thải nhựa là nguồn tài nguyên. Để quản lý nguồn tài nguyên này, điều cần thiết hiện nay, chúng ta phải xây dựng được hệ thống thu gom rác và phân loại rác từ nguồn.
Tuy vậy, trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện nghiêm, nhiều chủ đầu tư vẫn tìm cách trì hoãn việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thực trạng này đang khiến môi trường quanh các khu đô thị bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng…
Một trong những vấn nạn nhức nhối về ô nhiễm mà con người cần phải giải quyết chính là lượng rác thải khổng lồ thải ra môi trường mỗi năm, trong đó có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa.
Ước tính từ thống kê của các cơ quan quản lý về môi trường, trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng 30 tỷ túi ni lông. Túi ni lông hiện diện khắp nơi trong đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, đến ven biển… Đơn cử, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi ni lông/tháng. Hơn 80% số này đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần và đích đến cuối cùng của chúng, không phải các cơ sở tái chế hay xử lý, mà phổ biến là biển và đại dương, “góp phần” đáng kể vào hơn 8 triệu tấn nhựa mà dân cư toàn thế giới đổ ra đại dương mỗi năm!
Và nếu không có cách quản lý hiệu quả để “đãi rác tìm vàng”, chúng ta hoàn toàn có khả năng bị rác nhấn chìm trước khi kịp nhìn thấy những ánh kim lấp lánh từ những thứ loại bỏ đó.
Tại Việt Nam, về cơ bản, nếu chỉ dựa vào đội ngũ thu gom phế liệu, các cơ sở chế biến bao bì thủ công, chúng ta vẫn “đãi” được một lượng túi ni lông, sản phẩm nhựa và một phần các thứ có thể tái chế, nhưng khối lượng không nhiều, không đủ sạch cho các nhà máy xử lý được đầu tư hàng triệu USD.
Điều đó dẫn đến bất cập lựa chọn công nghệ xử lý rác bị phụ thuộc vào đặc điểm nguồn rác hiện có, chứ không theo các tiêu chuẩn đầu ra về sản phẩm và chỉ số môi trường.
Chưa kể, ngay trong thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy sự lên ngôi của xu hướng mua sắm online. Với hoạt động ship hàng khắp mọi miền đất nước, người bán phải “gia cố” hàng hóa trong nhiều lớp ni lông. Trong khi đó, sau khi nhận sản phẩm, người mua hàng cũng không thể tận dụng lại túi ni lông hoặc không muốn tận dụng nên lượng rác thải nhựa cứ thế càng đầy lên, tạo áp lực với môi trường sống.
Chúng ta phấn chấn với sự xuất hiện của những ống hút bằng tre, túi đựng bằng giấy, túi tự hủy… song, đó mới chỉ là một vài điểm sáng để khởi tạo nên thói quen và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng chứ chưa đi sâu sát vào trong đời sống sinh hoạt của đại đa số người dân.
Việc tuyên truyền mang túi và hộp nhựa dùng nhiều lần đi chợ của cơ quan chức năng chỉ diễn ra nhất thời và chưa đủ để “mưa dầm thấm lâu”. Người dân thiếu trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ môi trường càng làm cho lượng rác thải nói chung, lượng rác thải nhựa nói riêng ngày càng gia tăng và không kiểm soát được. Do vậy, ngăn rác thải nhựa đến lúc trở thành chính sách quốc gia để tạo nên thói quen tập thể chứ không chỉ là phong trào nhỏ lẻ.
Thay đổi hành vi con người, bước qua những trở ngại trong tư duy, thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần và "xả rác có tâm", cải thiện hệ thống thu gom và phân loại rác... là những giải pháp cơ bản trọng tâm. Nhưng chưa đủ. Vấn đề mấu chốt ở đây lại là các quy định pháp lý.
Quy định xử phạt với người không phân loại rác từ nguồn được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một bước đi rất quan trọng. Nhưng để cụ thể hóa bước đi đó cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn, hướng dẫn đồng thời cưỡng chế thực thi, mới có thể rút ngắn quá trình dịch chuyển và thay thế công nghệ xử lý rác thải, trước khi chúng ta kiệt sức vì trả giá cho môi trường.
Dịch chuyển nào cũng cần bắt đầu từ nhận thức và ý thức. Vì sao rác là tài nguyên và cần làm gì để rác trở thành tài nguyên, cần trở thành nhận thức của số đông, chứ không chỉ dừng lại ở tư duy của nhà quản lý?!