Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", cả nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, đời sống xã hội dần ổn định và phát triển. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, bên cạnh công tác thu gom rác thải sinh hoạt thông thường, hiện công tác vệ sinh môi trường lại đang nảy sinh một số vấn đề mới trong quá trình quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, rác thải y tế phát sinh từ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhiều địa phương.
Mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19, song tại Việt Nam, với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng thì chất thải y tế ở nhiều địa phương cũng tăng theo tỷ lệ thuận, nhất là tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, các gia đình có bệnh nhân F0… do tăng phế thải từ trang phục, khẩu trang, găng tay, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men, bao bì thực phẩm đóng gói...
Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên cho nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải.
Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường. Và do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng vệ sinh môi trường cũng được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng làm tăng thêm lượng rác thải.
Tại Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng với các công ty môi trường trên địa bàn cũng đã có sự chỉ đạo và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác thu gom, xử lý rác thải F0 tại nhà. Cụ thể, công tác thu gom, xử lý rác thải đã được triển khai đúng quy trình, bảo đảm các điều kiện an toàn, đội ngũ công nhân viên đều được trang bị bảo hộ đầy đủ, được test COVID hằng tuần và được ưu tiên tiêm chủng.
Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 4-2021 đến nay, số ca F0, F1 cách ly tại nhà ngày càng tăng và phân bố rải rác trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ riêng Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội), mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải. Do khối lượng rác thải phát sinh lớn nên đã gặp một số khó khăn như: Không đủ nhân lực đáp ứng việc thu gom rác thải nhỏ lẻ tại từng hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà; công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn đến khối lượng rác phát sinh nhiều.
Tại thành phố Cần Thơ, theo lãnh đạo Công ty CP Ðô thị Cần Thơ, hiện thành phố chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế tập trung. Ðến nay, thành phố chỉ được trang bị một lò xử lý với công nghệ hấp tiệt trùng, công suất 2,4 tấn/ngày đêm đặt tại Bệnh viện Lao phổi thành phố để xử lý rác lây nhiễm, rác y tế của các bệnh viện trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm hạn chế những rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nói chung và trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt có chứa nguồn nhiễm COVID-19, bước đầu theo đề nghị của Sở Y tế, UBND thành phố giao Bệnh viện Lao phổi Cần Thơ thu gom, xử lý rác thải lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên, từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4, với lượng rác phát sinh từ dịch bệnh ngày càng tăng từ các bệnh viện, khu cách ly, bệnh viện dã chiến… đã làm quá tải lò xử lý của Bệnh viện Lao phổi. Thực tế, không chỉ khối lượng lớn rác thải phát sinh về khối lượng lớn rác thải, hiện khó khăn vướng mắc đối với các công ty thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn còn do số lượng các hộ gia đình F0, F1 nằm lẫn trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng.
Do đó, khối lượng rác phát thải từ các hộ này nếu không được quản lý chặt chẽ, kịp thời thì sẽ bị lẫn lộn vào rác sinh hoạt thông thường gây tiềm ẩn rủi ro cho môi trường cộng đồng và trực tiếp là sức khỏe công nhân thu gom, vận chuyển.
Theo các chuyên gia về y tế và môi trường, trước tình hình dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng trong cộng đồng như hiện nay, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần đặc biệt phải chú trọng và có cách xử lý phù hợp.
Cụ thể, chất thải y tế lây nhiễm phát sinh do dịch COVID-19, phải được thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý tại các cơ sở y tế, có trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, và hoạt động theo mô hình cụm cơ sở xử lý chất thải y tế tại địa phương (do UBND tỉnh, thành phố quyết định) hoặc các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế.
Bên cạnh đó, cần thành lập một tổ công tác chuyên thu gom rác thải y tế lây nhiễm (F0 tại nhà) với phương tiện chuyên dụng riêng cho công tác này, phối hợp với chính quyền địa phương nắm danh sách, địa chỉ của các F0, dấu hiệu cảnh báo của loại rác và bố trí nhân công thu gom theo thời gian, tần suất quy định của từng địa bàn quận, huyện. Các sở y tế cần phối hợp chính quyền địa phương nâng cao vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng; hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng tham gia tổ COVID-19 cộng đồng tại các địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải từ phòng điều trị, cách ly F0, bảo đảm không phát sinh trường hợp lây nhiễm chéo mầm bệnh từ nguồn rác thải. Ðồng thời, cần phải ban hành quy định về chế độ, chính sách cho những người tham gia.
Cùng với các giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng, để góp phần nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải, nhất là rác thải y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị chức năng thì mỗi người dân cần tiếp tục tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế về chăm sóc sức khỏe, chú trọng thực hiện 5K, sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng cách để ngăn chặn các nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng, bảo vệ môi trường.