Phân tích của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy 2021 là năm nóng thứ 6 trong lịch sử với hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên khắp thế giới.
Theo dữ liệu được 2 cơ quan chính phủ Mỹ công bố ngày 13-1, giai đoạn 8 năm qua là 8 năm nóng kỷ lục, và thập kỷ qua cũng là thập kỷ nóng kỷ lục kể từ khi các ghi chép về mức nhiệt độ toàn cầu bắt đầu được tiến hành năm 1880.
“Trái đất hiện nay chắc chắn ấm hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 2.000 năm qua”. Ông Russell Vose, Trưởng bộ phận phân tích-tổng hợp của Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của NOAA, cho hay.
Ông nhấn mạnh sự tăng nhiệt độ năm 2021 xảy ra bất chấp tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng La Nina phía Đông Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra dự báo năm 2022 gần như chắc chắn sẽ là năm nóng thứ 10 trong lịch sử.
Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 cam kết các nước hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và hướng tới mục tiêu 1,5oC. Tuy nhiên, theo ông Vose, với tốc độ ấm lên như hiện nay, mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 1,5oC vào đầu những năm 2040.
Theo NOAA, nhiệt độ trung bình của Trái đất năm 2021 cao hơn 0,84oC so với mức trung bình của thế kỷ 20, và vượt qua mức kỷ lục được ghi nhận năm 2018. Dữ liệu của NASA cũng cho thấy 2021 và 2018 nằm trong số 6 năm nóng nhất từ trước tới nay.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng lượng nhiệt mà các đại dương trên thế giới hấp thụ và lưu giữ - một trong những thước đo tình trạng biến đổi khí hậu - đã đạt mức cao kỷ lục hồi năm ngoái. Cụ thể, các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong bầu khí quyển bởi các loại khí nhà kính, từ đó tác động đến các hình thái thời tiết cũng như làm thay đổi các dòng chảy.
Năm 2021, sự nóng lên toàn cầu xảy ra nghiêm trọng nhất ở Bắc Bán cầu, cả trên đất liền và ở Bắc Cực. Phân tích của NOAA và NASA cho thấy, Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng nhiệt trung bình của Trái đất.