Qua nghiên cứu hình ảnh vệ tinh cũng như kinh nghiệm trong quá khứ, các nhà khoa học cho biết vụ phun trào núi lửa dữ dội dưới đáy biển ngoài khơi Tonga có thể gây thiệt hại lâu dài cho các rạn san hô, làm xói mòn bờ biển, cũng như gây gián đoạn hoạt động nghề cá.
Mưa axit
Kể từ đợt phun trào đầu tiên, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã giải phóng một lượng lớn lưu huỳnh dioxide (SO2) và nitơ oxide (N2O) - 2 loại khí tạo ra mưa axit khi tương tác với nước và ôxy trong khí quyển.
Theo chuyên gia nghiên cứu núi lửa Shane Cronin thuộc Đại học Auckland, với khí hậu nhiệt đới của Tonga, “nhiều khả năng sẽ có mưa axit ở đảo quốc này trong thời gian tới”. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến cây trồng và phá hủy các mặt hàng chủ lực của Tonga như khoai môn, ngô, chuối và rau xanh.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy đám mây khí thải đang lan rộng dần về phía tây, điều đó có nghĩa là Tonga có thể tránh được một phần ảnh hưởng của mưa axit, song đảo quốc Fiji nằm ở phía tây Tonga nhiều khả năng sẽ hứng chịu tác động.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc ngày hôm qua cho biết, Fiji đang theo dõi chất lượng không khí và khuyến cáo người dân che các bể nước gia đình và không ra ngoài trong trường hợp trời mưa.
Cá chết hàng loạt
Vùng đặc quyền kinh tế của Tonga có diện tích gần 700 nghìn dặm vuông, lớn hơn 1.000 lần so với diện tích đất liền của quốc gia này. Hầu hết người dân Tonga đều phụ thuộc vào đại dương để tìm kiếm nguồn thức ăn cũng như phát triển sinh kế.
Tiến sĩ Marco Brenna, nhà địa chất học tại Đại học Otago (New Zealand), cho biết, mặc dù các nhà khoa học chưa tiến hành điều tra thực địa, nhưng một số bức ảnh vệ tinh dường như cho thấy một lớp tro bụi bao phủ trên khu vực đất liền.
Trong đại dương, tro bụi núi lửa có thể gây hại cho các loài sinh vật biển. Vài tuần trước đợt phun trào cuối tuần qua, Cơ quan địa chất Tonga đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm nước biển ở khu vực lân cận do chất thải độc hại thoát ra từ núi lửa, đồng thời khuyến cáo ngư dân không nên đánh bắt cá ở vùng nước này vì chúng có khả năng bị nhiễm độc.
Có thể nói rằng, vụ phun trào đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vùng nước đầy tro bụi gần núi lửa sẽ tước đi nguồn thức ăn cũng như môi trường sinh sản của các loài cá. Các nhà khoa học cho biết, một số loài cá sẽ bị diệt vong và những loài sống sót sẽ buộc phải di cư đến khu vực khác để tồn tại. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong cấu trúc của đáy biển có thể tạo ra những trở ngại mới cho các tàu cá.
Tiến sĩ Brenna nhận định sẽ mất một khoảng thời gian dài để các ngư trường ở khu vực này có thể phục hồi.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy đám mây lưu huỳnh dioxide (SO2) thoát ra từ vụ phun trào núi lửa lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai di chuyển lan rộng trên Thái Bình Dương ngày 14-1, 15-1, 16-1 và 17-1. (Ảnh: Reuters)
Hệ sinh thái san hô bị hủy hoại
Tro bụi từ vụ phun trào núi lửa có thể hủy hoại các rạn san hô, vốn là trụ cột chính của ngành du lịch đem lại doanh thu 5 triệu USD mỗi năm cho Tonga thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Ngay cả khi vụ phun trào chưa xảy ra, các rạn san hô của quốc đảo này cũng đã bị đe dọa bởi dịch bệnh bùng phát và tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hiện tượng tẩy trắng san hô và các cơn lốc xoáy với cường độ ngày càng mạnh.
Theo ông Tom Schils, chuyên gia nghiên cứu về các vụ phun trào núi lửa và san hô ở Quần đảo Bắc Mariana, một diện tích rộng lớn các rạn san hô ở khu vực bị ảnh hưởng có thể bị chôn vùi và phá hủy bởi lượng lớn tro bụi núi lửa.
Những đợt phun trào như vậy cũng giải phóng nhiều sắt hơn vào trong nước biển, thúc đẩy sự phát triển của tảo xanh lam và bọt biển gây nguy hại cho các rạn san hô.
Xói mòn bờ biển
Việc mất đi các rạn san hô cũng sẽ tác động đến khả năng đối phó với tình trạng nước biển dâng và nước dâng do bão của Tonga. Đây thực sự là một mối lo ngại đối với đảo quốc này, khi mà biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển nơi đây tăng khoảng 6mm (0,2 inch) mỗi năm - cao hơn gấp đôi so với mức tăng trung bình toàn cầu.
Trong một báo cáo năm 2015, Tonga định giá các vùng đệm chắn bão tự nhiên của mình, bao gồm các rạn san hô, thảm cỏ biển ven bờ và rừng ngập mặn, vào khoảng 11 triệu USD hằng năm.
Với vụ phun trào mới đây, máy đo độ cao mực nước biển ở Tonga đã ghi nhận một đợt sóng thần cao 1,19m. Sóng thần vốn được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng xói mòn nhanh chóng ở các khu vực bờ biển. Trước khi hệ thống thông tin liên lạc ở Tonga bị gián đoạn, các video đã cho thấy thiệt hại mà sóng thần gây ra đối với các bức tường chắn sóng nhân tạo địa phương.