Thay cho việc trôi nổi ngoài môi trường, các phế liệu nhựa đã được sống lại một vòng đời khác từ bàn tay của cụ ông 80 tuổi. Việc làm này vừa cải thiện cuộc sống của ông vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Đến thôn Văn Xá, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, hỏi nhà ông Nguyễn Bá Tụng thì hầu như ai cũng biết bởi ông có công việc khá đặc biệt, duy nhất ở thôn làng nhỏ này, đó là làm ra các sản phẩm rổ, rá từ rác thải nhựa.
Mặc dù đã vào tuổi 80 nhưng hằng ngày, ông Tụng khá bận rộn với công việc thu gom dây nhựa rồi chế tác, đan lát thành rổ, rá bán cho bà con trong vùng.
Cách đây 3 năm, trong một lần ghé thăm làng Xuân Bồ (huyện Lệ Thủy), nơi có nghề truyền thống đan lát mây tre, ông nảy ra ý nghĩ tại sao mình không thử thay nguyên liệu mây tre bằng nhựa phế thải để tận dụng nguồn nguyên liệu và hạn chế chúng bị thải bỏ làm hại đến môi trường.
Sau một hồi quan sát, học nghề, ông đã thuộc các nguyên tắc đan, nong mốt nong hai, viền, cạp… đủ để giúp ông có thể “theo nghề” được, ông liền về nhà tìm nguyên liệu làm thử. Và nghĩ là làm, ông không làm mây tre mà thử sức với nguyên liệu dây nhựa, loại dây thường bị người ta vứt đi sau khi bóc trần các tấm gạch, tấm ngói trong xây dựng.
Mỗi ngày, ông Tụng dành ra một khoảng thời gian để đi gom dây nhựa. Cứ có nhà nào đang xây, hay gặp các đại lý vật liệu xây dựng là ông ghé vào xin dây nhựa về dùng.
Sau 3 năm làm nghề đan lát dây nhựa, đến nay tay nghề ông Tụng thuần thục hơn. Tuy nhiên, do tuổi cao cùng với công việc đòi hỏi sự khéo léo nên ông tốn khá nhiều thời gian, chỉ có thể làm 7 - 8 sản phẩm mỗi tháng, vì mỗi sản phẩm mất đến 2 - 3 ngày mới hoàn thiện.
Cũng theo ông Tụng, những chiếc rổ, rá, thúng… đan từ dây nhựa mang lại rất nhiều công dụng. Những sợi dây nhựa vốn đã không thân thiện với môi trường, kể cả vứt đi hay đem đốt cũng rất độc hại, nhưng khi vào tay cụ ông 80 tuổi lại trở thành những sản phẩm có ích và khá bền, nhất là không bị ẩm mốc khi thời tiết mưa phùn.
Trước đây, khi mới làm công việc này, ông phải thường xuyên đi tìm, thu gom nguyên liệu. Sau khi các sản phẩm được nhiều người biết đến, các đại lý vật liệu xây dựng, các gia đình đang xây dựng nhà cửa trên địa bàn đều chủ động giữ lại phần dây nhựa bỏ đi rồi gọi ông đến lấy. Bản thân họ cũng thấy vui khi vừa giúp được người già, vừa góp phần hạn chế được nguồn rác thải nhựa độc hại với môi trường bằng cách cho nhựa thêm một đời sống mới.