Ngày 8-5, tại Hà Nội diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027. “Chung tay kiến tạo môi trường xanh” chính là chủ đề của Đại hội, được sự hưởng ứng của các đại biểu tham dự.
Báo cáo quá trình thành lập Hiệp hội, ông Ngô Quốc Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam cho biết, quá trình hiện đại hoá, đô thị hoá tại Việt Nam đã làm cho lượng chất thải phát sinh khổng lồ, đặc biệt tại các đô thị và khu công nghiệp. Đáng nói, mỗi năm, lượng chất thải phát sinh lại tăng lên không ngừng.
“Theo thống kê của Bộ Công Thương, lượng phát thải hàng ngày là rất lớn. Trung bình có khoảng 35.000 tấn chất thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra hằng ngày. Riêng thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng từ 7.000-8.000 tấn chất thải rắn thải ra mỗi ngày. Dự báo đến năm 2025, tỉ lệ chất thải phát sinh khoảng 10-16%.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ước tính, lượng chất thải nguy hại đã phát sinh mỗi năm khoảng 875.000 tấn (chiếm tỉ lệ từ 20-30% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp)… Trên thực tế, lượng phát sinh chất thải có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Đây là một thách thức rất lớn trong công tác xử lý chất thải nói riêng, và công tác bảo vệ môi trường trên toàn quốc nói chung. Là trách nhiệm chung không chỉ của các bộ, ngành, mà còn là thách thức của nhiều doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong công tác xử lý chất thải.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam ra đời để tập hợp và đoàn kết các hội viên để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xử lý chất thải trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, pháp luật".
“Hiệp hội là tiếng nói đại diện cho tất cả những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải, là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường của đất nước”, ông Khánh nhấn mạnh.
Phát biểu tại Đại hội, ông Tạ Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) bày tỏ vui mừng và ấn tượng với sự thành lập và chủ đề “Chung tay kiến tạo môi trường xanh” của Hiệp hội.
Theo ông Tấn, việc phát triển kinh tế, hiện đại hoá đất nước đặt ra nhiều vấn đề về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên quá trình phát triển đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, việc bảo vệ môi trường chưa được chú trọng trong một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp. Để khắc phục, một trong những biện pháp quan trọng là xử lý môi trường, xử lý chất thải.
Hiệp hội ra đời góp phần tập hợp, đoàn kết hội viên, chung tay góp phần bảo vệ môi trường. Bộ Nội vụ rất ủng hộ quá trình thành lập của Hiệp hội và mong muốn trong quá trình hoạt động Hiệp hội sẽ thực hiện tốt tôn chỉ mục đích của mình. Đồng thời bày tỏ mong muốn Hiệp hội sớm củng cố, kiện toàn tổ chức để đi vào hoạt động, gắn chặt với các hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian sắp tới.
Cũng tại Đại hội, Hiệp hội đã thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kì đầu tiên, 2022-2027. Tầm nhìn xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; là tiếng nói đại diện cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải; là cầu nối giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của đất nước.
Đặc biệt, đại hội đã bầu ra Chủ tịch và Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ đầu tiên 2022-2027. Theo đó, ông Nguyễn Trọng Hùng Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Sông Công đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hiệp hội Xử lý chất thải Việt Nam.