Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, từ đầu năm đến ngày 10-6, Cục đã thẩm định, trình Bộ cấp 99 giấy phép tài nguyên nước các loại. Bao gồm: 13 giấy phép xả nước thải; 68 giấy phép khai thác nước mặt, nước biển; 10 giấy phép khai thác nước dưới đất; 3 giấy phép hành nghề nước dưới đất.
Sáu tháng đầu năm 2022, Cục tập trung triển khai Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tập trung triển khai, thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất; tăng cường triển khai sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử, chứng thực chữ ký số; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 16 thủ tục hành chính và mức độ 4 đối với 5 thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Cục, quản lý, điều hành và xử lý công việc của các đơn vị, đặc biệt là sử dụng đồng bộ, thường xuyên các hệ thống phần mềm điều hành qua mạng của Cục trong tất cả các đơn vị trực thuộc Cục; bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử và phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của Cục phục vụ công tác quản lý và điều hành, 100% các văn bản, tài liệu chính thức được thực hiện trên mạng điện tử trừ văn bản mật, ứng dụng chữ ký số, cải tiến phương thức làm việc, từng bước hiện đại hóa hành chính.
Triển khai cập nhật thường xuyên và vận hành Hệ thống phần mềm khai thác, sử dụng Bộ dữ liệu các loại mô hình trên nền 19 Bộ dữ liệu thủy văn và 3 mô hình lưu vực sông.
Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành.
Triển khai hệ thống quản lý tình hình vận hành của các hồ chứa trên 11 lưu vực sông theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt để Cục và các đơn vị quản lý vận hành theo dõi, giám sát, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Bộ, trình Chính phủ; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, hoàn thiện Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước quốc gia,… để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.