Trước thực trạng rác thải sinh hoạt tồn lưu tại một số điểm tập kết thời gian qua, TP. Sông Công đã tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao ý thức của người dân, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng các tuyến phố thêm xanh - sạch - đẹp.
Theo thống kê, hiện nay, lượng rác thải trên địa bàn TP. Sông Công là khoảng 40 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển rác do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị thực hiện đã cơ bản đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn tình trạng người dân tại một số xóm, tổ dân phố tập kết, xả rác không đúng thời gian và nơi quy định, dẫn đến tồn lưu tại các điểm tập kết, vỉa hè gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Sông Công, để công tác vệ sinh môi trường đi vào nề nếp, cùng với việc tăng cường tuyên truyền đến người dân, thành phố yêu cầu các xã, phường bố trí thùng rác trên các tuyến phố, đường đô thị để phục vụ công tác thu gom. Đồng thời chỉ đạo nhân công thu gom rác thải tại các xóm, tổ dân phố tập kết rác đúng nơi quy định để việc vận chuyển đi xử lý được đảm bảo, tránh tình trạng tồn lưu tại các điểm tập kết. Cán bộ địa chính - xây dựng các xã, phường cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Trật tự đô thị và Giao thông thành phố, trưởng các xóm, tổ dân phố thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện đổ rác của các hộ gia đình sinh sống dọc các tuyến đường.
Tại điểm tập kết rác thải ở khu vực cổng chợ Bá Xuyên, do nằm sát tỉnh lộ 262 với lượng người qua lại rất đông nên thường xuyên phát sinh rác thải, tình trạng xả rác không đúng nơi quy định dẫn đến ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế này, xã đã lắp đặt hệ thống cửa tại điểm tập kết này để hạn chế việc xả rác bừa bãi; yêu cầu nhân dân trước khi đưa rác thải ra điểm tập kết cần phân loại, cho vào các bao bì để đảm bảo vệ sinh môi trường, thuận lợi cho việc thu gom, vận chuyển. Do lượng rác thải phát sinh ngày một nhiều, xã Bá Xuyên cũng đã đề nghị thành phố nâng tần suất thu gom, vận chuyển rác thải tại địa phương, thay vì 2 lần/tuần như trước đây.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sông Công, cho biết: Trong số 33 điểm tập kết rác trên địa bàn thành phố, có một số điểm thường xảy ra tình trạng rác tồn lưu, như: Khu vực cổng chợ Bá Xuyên; tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua địa bàn phường Bách Quang; khu vực tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang... Thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý, hằng ngày, hơn 30 công nhân của Công ty đều làm việc trên các tuyến đường chính của thành phố từ 4 giờ đến 7 giờ 30 phút. Sau đó, đơn vị bố trí 7-8 công nhân đi duy trì tại các tuyến đường để thu gom lượng rác thải phát sinh. Công ty cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP. Sông Công hiện có trên 140 tổ tự quản thu gom rác thải tại các xóm, tổ dân phố. Hằng ngày, cùng với việc thu gom, các tổ cũng thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh chung, đổ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định. Trên cơ sở đó, phát hiện, tổng hợp các hộ gia đình thực hiện không đúng theo quy định, báo cáo về Phòng Quản lý Đô thị thành phố và UBND các xã, phường để có biện pháp tuyên truyền, xử lý theo quy định. Sau khi thực hiện vận chuyển rác thải sinh hoạt tại điểm tập kết, thành viên các tổ tiến hành dọn dẹp đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và đẩy toàn bộ xe gom lên vỉa hè, sắp xếp theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông.
Xác định đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng đô thị văn minh, thời gian qua, TP. Sông Công đã phối hợp với các xã, phường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Thường xuyên dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải đưa đến các điểm tập kết và tiêu hủy đúng quy định; khuyến khích các hộ gia đình xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh… Các ngành, đoàn thể cũng phát động, kêu gọi hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường với việc thành lập các câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”; trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường tự quản...