Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, khi “sân chơi” ngày càng lớn, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, điển hình là các yêu cầu về phát triển xanh - bền vững trong thiết kế và sản xuất bao bì, đóng gói. Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại Hội thảo tập huấn “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp”, vừa diễn ra tại Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngành bao bì được cho là sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của thương mại điện tử, và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Đây là một trong những ngành phát triển mạnh, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng (bình quân khoảng trên 10%/năm). Hiện Việt Nam có hơn 900 nhà máy sản xuất bao bì, khoảng 70% trong số đó được đặt tại các tỉnh phía Nam.
Riêng bao bì nhựa cũng phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm (theo số liệu từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam), do ngành thực phẩm tăng trưởng tốt. Doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới và cung cấp ra thị trường nhiều loại bao bì cao cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là các nước nhập khẩu đều tăng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đối với bao bì sản phẩm. Mặc dù ngành bao bì Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nếu tình hình không thay đổi, rất có thể các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị phần trong nước, mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài nếu không có chiến lược đúng về bao bì.
Chia sẻ về các yêu cầu quốc tế trong sản xuất bao bì, bà Agnieszka van Batavia - chuyên gia về các giải pháp bao bì bền vững và các quy định về bao bì (Tập đoàn Constantia Flexibles) cho biết: Doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố pháp lý liên quan đến bao bì khi thâm nhập thị trường, đặc biệt là những quy định về nhựa sử dụng một lần của EU, Canada, Trung Quốc. Các quốc gia này yêu cầu ngăn ngừa chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, nhựa sinh học có loại được phép sử dụng và loại không được phép sử dụng.
Quy định EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng là vấn đề cần quan tâm. Điều này đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 của Việt Nam và Chỉ thị về bao bì và chất thải bao bì của EU. EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm được mở rộng phạm vi đến việc quản lý chất thải sau tiêu dùng.
EPR sẽ dẫn dắt nhà sản xuất nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. Quá trình này sẽ thúc đẩy nhà sản xuất tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói.
Tại châu Âu, sản phẩm dành cho con người phải đáp ứng yêu cầu về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, EPR, quy định về hàm lượng kim loại nặng, chương trình Green Dot…
Còn ở Mỹ, doanh nghiệp phải chứng minh những khẳng định tái chế tuyên bố trên bao bì, tuân thủ các kiểm định về an toàn thực phẩm. Ở mỗi quốc gia khác nhau, các hướng dẫn về nội dung thông tin tái chế trên bao bì sản phẩm sẽ khác nhau.
DN xuất khẩu của VN nên trao đổi với khách hàng nhập khẩu của mình (có thể là các nhà bán lẻ châu Âu) về những chứng từ, hồ sơ tài liệu cần cung cấp là gì trước khi làm việc với các cơ sở kiểm định - là tổ chức thường dựa vào các quy định chuẩn hóa để kiểm nghiệm sản phẩm nhập khẩu.
Thông thường, các cơ sở kiểm định thường đòi hỏi 2 hệ thống giấy chứng nhận: Chứng nhận về công ty (hệ thống quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm….) và Chứng nhận về sản phẩm sau khi đã kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn nhất định.
Theo bà Agnieszka van Batavia, doanh nghiệp Việt Nam cần làm việc thêm với các viện nghiên cứu, trường đại học có các nghiên cứu về các bao bì nhựa để có các cơ sở khoa học, thông tin tốt hơn phục vụ việc thiết kế, lựa chọn chất liệu bao bì sản phẩm.
Bên cạnh đó cần đổi mới tư duy trong chiến lược bao bì với nhiều phương án. Có thể không cần bao bì, có thể giảm thiểu bao bì có khi làm giảm thời gian bảo quản sản phẩm, gây hư hại, lãng phí thực phẩm (vòng đời sản phẩm ngắn lại) hoặc tái sử dụng, tái chế…
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nhận định tại Hội thảo, bao bì sản phẩm hiện nay không chỉ là công cụ bảo vệ sản phẩm đơn thuần mà còn đóng vai trò to lớn trong việc gia tăng giá trị sản phẩm. Bao bì tác động trực tiếp đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và đã trở thành một yếu tố quan trọng phản ánh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một phần tất yếu trong chiến lược marketing của doanh nghiệp.
Trước sự đòi hỏi của thị trường và cạnh tranh của các đối thủ, việc đổi mới công nghệ, cải tiến thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm cần có sự kết hợp giữa các yếu tố chuyên môn kỹ thuật, pháp lý và môi trường một cách có hệ thống và toàn diện.
Việc doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược bao bì phù hợp với nhu cầu khách hàng và điều kiện thực tiễn, qua đó tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế doanh nghiệp trên khía cạnh bảo vệ môi trường, giảm phát thải và uy tín xã hội.