Nội dung liên quan quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập), ngày 6/11/2022. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài suốt đêm, sáng sớm 20/11 (giờ địa phương), Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát cuối cùng của COP27 tại phiên toàn thể bế mạc.
Ngoại trưởng Ai Cập kiêm Chủ tịch COP27 đã gõ búa để biểu thị văn kiện thỏa thuận chính trị của COP27 đã được thông qua bằng sự đồng thuận.
Trước đó ít phút, đại diện của các quốc gia đã thông qua điều khoản của thỏa thuận liên quan việc thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp những tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu, sau khi Thụy Sĩ yêu cầu cần thêm 30 phút để xem xét kỹ lưỡng bản dự thảo thỏa thuận tổng thể cuối cùng.
Phiên họp toàn thể đã thông qua điều khoản về việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Nội dung liên quan quỹ "tổn thất và thiệt hại" không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, song nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại COP27.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng lũ lụt ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD.
Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất từ 290-580 tỷ USD/năm vào năm 2030, và từ 1.000-1.800 tỷ USD vào năm 2050.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin