Chuyển đổi đất rừng: Kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển

Văn Hiến 08:58, 20/07/2023

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, hàng năm, tỉnh Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi một phần đất rừng để triển khai các dự án quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án lấy vào đất rừng nằm ở cả 9 huyện, thành phố. Cùng với việc chuyển đổi đất rừng phục vụ các dự án, tỉnh có kế hoạch trồng rừng bổ sung hàng năm để duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên.

 Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có nhu cầu chuyển đổi 43,5ha rừng.
 Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc có nhu cầu chuyển đổi 43,5ha rừng.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng được 9 huyện, thành phố và các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh kiểm soát chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 82 dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, với tổng diện tích trên 767ha. Trong đó có 48 dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, với tổng kinh phí 20 tỷ đồng.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn đã được các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND 9 huyện, thành phố thiết lập hồ sơ chặt chẽ, đúng trình tự, quy định của pháp luật. Việc cấp phép dự án thủy điện ở một số địa phương được liên ngành đánh giá toàn diện, cẩn trọng nên đến hết tháng 6/2023, Thái Nguyên không tham mưu cho cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng nhà máy thủy điện nào.

Trên cơ sở chỉ tiêu được Chính phủ phê duyệt cho tỉnh Thái Nguyên chuyển đổi diện tích đất rừng sang đất phi nông nghiệp để triển khai các dự án, ngành chức năng và UBND 9 huyện, thành phố đã tham mưu với cấp có thẩm quyền về việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 4 dự án nhóm quốc phòng - an ninh, với diện tích trên 78ha đất rừng.

Ngoài ra, 32 dự án nhóm công trình công cộng, an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền của tỉnh chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với diện tích gần 236ha.

Riêng nhóm dự án phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản cần chuyển mục đích sử dụng rừng, HĐND tỉnh đã giao cơ quan tham mưu tiến hành thẩm tra, đánh giá kỹ lưỡng trước khi thông qua tại các kỳ họp. Đối với những dự án chuyển đổi đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có tính đặc thù, cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành các quy trình, thủ tục chặt chẽ và xin ý kiến Trung ương theo quy định.

Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và UBND cấp huyện nhưng theo một số chủ đầu tư dự án, việc chuyển đổi đất rừng còn chậm. Nguyên nhân là do chính sách pháp luật về đất đai có thay đổi các quy định, quy trình thực hiện, dẫn đến nhiều dự án phải lập lại thủ tục từ đầu mới có thể tiếp tục thu hồi đất.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai các dự án có sử dụng đất rừng nhưng vẫn vướng mắc trong quá trình chuyển đổi. Đơn cử như việc chuyển đổi đất rừng để triển khai Dự án Khu công nghiệp Sông Công II; một số dự án tại Khu du lịch hồ Núi Cốc.

Việc chuyển đổi đất rừng để triển khai Dự án Khu công nghiệp Sông Công II còn một số vướng mắc. Ảnh: T.L
Việc chuyển đổi đất rừng để triển khai Dự án Khu công nghiệp Sông Công II còn một số vướng mắc. Ảnh: T.L

Qua rà soát của các địa phương, từ nay đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm một số dự án hạ tầng kỹ thuật phải tiếp tục lấy vào đất rừng. Do đó cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng các cấp, nhất là với những dự án cần chuyển đổi trên 20ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trên 50ha rừng sản xuất.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND 9 huyện, thành phố tổng hợp các dự án trên địa bàn có nhu cầu chuyển mục đích đất lâm nghiệp định kỳ và dự báo nhu cầu trong những năm tới để giải quyết thủ tục hành chính, có phương án trồng rừng thay thế. Từ đó, tỉnh sẽ thông báo cho các đơn vị đang và sắp triển khai dự án phải lấy vào đất rừng, nhằm rút ngắn thời gian đi tìm diện tích đất khác để trồng rừng thay thế. Đồng thời, việc làm này cũng tạo thuận lợi cho các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tỉnh có thêm nguồn kinh phí để trồng rừng, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 172.000ha. Trong đó, rừng đặc dụng có trên 35.650ha, rừng phòng hộ 37.028ha, rừng sản xuất 99.320ha.

Để hoàn thành mục tiêu này, mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên sẽ trồng thay thế, trồng mới 3.500-4.000ha rừng tập trung. Cùng với đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu trồng 7-10 triệu cây xanh để tăng độ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái.