Bảo vệ môi trường nông thôn: Bài toán không dễ giải

Tùng Lâm 17:23, 04/11/2024

So với 10 năm trước, công tác bảo vệ môi trường ở vùng nông thôn của tỉnh đã cải thiện rõ rệt. Người dân không còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý giúp các làng quê trở nên xanh, sạch, đẹp… Dù vậy, giải quyết ô nhiễm môi trường ở nông thôn vẫn còn là bài toán khó, nhất là tình trạng xả thải của các trang trại, cơ sở sản xuất nông sản.

Công ty Núi Pháo hỗ trợ HTX rau và Tổ bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp tổ dân số Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) 10 bể chứa rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Công ty Núi Pháo hỗ trợ HTX rau và Tổ bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp tổ dân số Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) 10 bể chứa rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Thay vì vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi, những năm trở lại đây, người dân nông thôn trong tỉnh đã có ý thức trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng quy định.

Bà Lý Thị Hà, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên): Vứt bao bì thuốc BVTV bừa bãi là tự “giết” chính mình. Các loại thuốc BVTV còn dính lại ở bao bì gặp mưa ngấm xuống đất làm ô nhiễm môi trường sản xuất, môi trường sống. Do đó, chúng tôi luôn chủ động thu gom bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng.

Điều đáng mừng là, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, tại các khu vực sản xuất nông nghiệp đều có bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV, trong đó quê lúa Phú Bình là một trong những địa phương đi đầu. Đến nay, 20 xã, thị trấn trong huyện đã đặt trên 1.000 bể chứa có nắp đậy tại các cánh đồng. Huyện đã tổ chức ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

Dù ý thức của người dân cả trong đời sống sinh hoạt và sản xuất đã được nâng lên rõ rệt, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn Thái Nguyên vẫn còn khá báo động, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi và làng nghề; thói quen đốt rơm, rạ của người dân sau mùa gặt khá phổ biến.

Chị Nông Thị Hạ, xóm Cây Hồng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai): Nhiều hộ dân cho rằng đốt rơm, rạ là cách để diệt trừ các loại sâu bệnh hại cho mùa sau, tạo độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí thu gom. Tuy nhiên, điều này khiến cho khói bụi bay khắp nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống.

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, việc đốt rơm rạ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Các nhân tố hóa học của rơm, rạ khi gặp nhiệt độ cao sẽ chuyển hóa thành các chất độc hại gây ra những căn bệnh về đường hô hấp, phế quản, nặng hơn có thể dẫn đến bệnh ung thư. Đốt rơm, rạ còn gây ra khói mù, che khuất tầm nhìn, nhất là trên các tuyến đường giao thông; làm lãng phí nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên.

Ngoài ra, nguồn chất thải từ chăn nuôi tại các địa bàn nông thôn của tỉnh cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện, Thái Nguyên có trên 1.250 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, vừa và nhỏ. Điều này đồng nghĩa với lượng phân trong chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra môi trường lên tới hàng triệu tấn/năm. Trong khi đó, tỉnh vẫn còn tình trạng các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất có công nghệ sản xuất lạc hậu nằm trong khu dân cư tập trung chậm di dời hoặc đổi mới công nghệ sản xuất.

Ông Lê Hải Bằng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh: Nếu không được xử lý tốt, chất thải trong chăn nuôi sẽ gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước, không khí, tác động lớn đến cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, hoạt động của các làng nghề cũng đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Thái Nguyên có hơn 270 làng nghề, chủ yếu là các làng nghề trồng chè (hơn 250 làng nghề), trồng hoa đào và một số ít làng nghề chế biến thực phẩm (làm miến).

Chất thải phát sinh từ các làng nghề chủ yếu là chất thải rắn, gồm vỏ bao bì hóa chất BVTV; một số ít làng có nghề làm miến (dù lưu lượng nhỏ, phân tán nhưng cũng cần được xem xét để không ảnh hưởng xấu đước thải phát sinh ởến môi trường).

Nhiều nông dân sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 1B (thuộc địa phận xã La Hiên, Lâu Thương (Võ Nhai) vẫn có thói quen đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều nông dân sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 1B (thuộc địa phận xã La Hiên, Lâu Thương (Võ Nhai) vẫn có thói quen đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường.

Trước những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nông thôn, một trong những giải pháp giảm thiểu tình trạng này chính là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những nguy hại của việc đốt rơm, rạ. Từ đó, giúp nông dân dần bỏ thói quen “xấu” này.

Cùng với đó, ban hành các văn bản quy định, chỉ thị về tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm; yêu cầu các cơ sở có nguồn phát thải lớn (các trang trại chăn nuôi) lắp đặt thiết bị giám sát tiêu thụ điện năng để theo dõi chế độ vận hành các hệ thống xử lý nước thải, khí thải…

Đặc biệt, yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT) là tiêu chí được quan tâm xem xét, đánh giá khi thẩm định hồ sơ làng nghề. Theo đó, các làng nghề phải lập và được UBND cấp huyện phê duyệt phương án BVMT. Nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất (các làng nghề chế biến thực phẩm) được xử lý bằng các công trình, thiết bị xử lý tại chỗ theo quy định.

Ông Lê Hải Bằng: Các huyện, thành phố phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội dung phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt, các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kịp thời xử lý khi có vi phạm. Nhất là quan tâm hướng dẫn biện pháp xử lý chất thải phù hợp với lĩnh vực sản xuất của từng làng nghề; quan tâm bố trí kinh phí để thu gom, xử lý vỏ bao gói hóa chất BVTV thải bỏ; tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT, phân loại rác thải tại nguồn cho người dân làng nghề.

Không những vậy, khi xem xét đánh giá hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, các cấp, ngành chức năng nên yêu cầu các làng nghề phải đảm bảo tiêu chí môi trường…