Lâu nay, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn luôn là chủ đề nóng tại các diễn đàn. Thực tế cho thấy, dù đã được quan tâm nhiều hơn, song đây vẫn là vấn nạn của nhiều địa phương trong cả nước.
Rác thải bị người dân vứt bừa bãi trên nhiều con đường ở khu vực nông thôn. Ảnh: TL |
Báo cáo của cơ quan chuyên môn cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn đang diễn ra khá phổ biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Không khó để bắt gặp trường hợp nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học trên đồng ruộng. Và cũng dễ dàng phát hiện ô nhiễm không khí, nguồn nước tại các làng nghề, cơ sở sản xuất nông nghiệp với các phụ phẩm, chất thải, nước thải… chưa qua xử lý thải ra tự nhiên. Tình trạng chăn nuôi tự phát, thiếu kiểm soát trong quy trình, chưa quan tâm đến xử lý môi trường chuồng trại… vẫn tồn tại. Ngoài ra, công nghiệp hóa tại nông thôn cũng đang khiến môi trường khu vực này đứng trước nguy cơ ô nhiễm.
Theo các chuyên gia môi trường, khu vực Bắc Bộ, nhất là vùng trung du và đồng bằng, trong đó có Thái Nguyên, nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn không hề nhỏ. Địa phương nào có nhiều làng nghề, trang trại chăn nuôi và phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp sẽ khó tránh khỏi ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chất thải rắn không còn là vấn đề của riêng các đô thị và thành phố lớn mà còn của các vùng nông thôn.
Để tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn trên cơ sở phát triển bền vững, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cần lan tỏa rộng rãi các phong trào bảo vệ môi trường, gia tăng biện pháp xử lý vi phạm về môi trường. Mặt khác, tiến hành rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường tại các làng nghề, trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Chính quyền các địa phương cần quan tâm quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng và hóa chất sử dụng trong chăn nuôi. Cùng với đổi mới công nghệ xử lý chất thải, nước thải, rất cần áp dụng mô hình xử lý sinh học kết hợp sử dụng khí sinh học trong sinh hoạt tại các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi. Có như vậy mới có thể cải thiệt tốt nhất môi trường tự nhiên ở vùng nông thôn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin