Với trên 700ha chè trồng mới trong năm 2010 đã đưa tổng diện chè hiện có của tỉnh ta lên trên 17.600ha. Cây chè không chỉ là cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo mà còn trở thành cây làm giàu của người dân Thái Nguyên. Tuy nhiên, so với tiềm năng mà cây chè có thể đem lại, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm…
Chè Thái Nguyên ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Năm 2005, năng suất chè của tỉnh ta chỉ đạt 66,3 tạ/ha, đến năm 2010, đã tăng lên 108tạ/ha, góp phần đưa giá trị thu nhập bình quân của người làm chè tăng từ 36,5 triệu đồng/ha năm 2005 lên 55 triệu đồng/ha năm 2010. Hiện, tỉnh ta đang đứng đầu về năng suất và đứng thứ 2 về diện tích trong cả nước. Ở hầu hết các vùng chè nổi tiếng như Tân Cương (T.P Thái Nguyên); La Bằng (Đại Từ); Trại Cài thuộc xã Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ); Khe Cốc, Tức Tranh (Phú Lương)… ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình giàu có, những triệu phú, tỷ phú nhờ làm chè. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Người nông dân đã, đang và sẽ làm giàu được từ cây chè. Tuy nhiên, không phải ai và ở bất kỳ nơi nào cũng làm được điều này.
Theo quan sát của chúng tôi, những hộ làm giàu được từ cây chè phải hội tụ được các yếu tố: Sở hữu một diện tích đất chè khá lớn, có năng lực tổ chức sản xuất và tuân thủ quy trình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả. Đơn cử như gia đình ông Bàng Văn Thanh, ở xóm Vân Long, xã Hùng Sơn (Đại Từ). Với diện tích 1ha chè, mỗi năm ông thu nhập gần 300 triệu đồng. Cùng với La bằng, xóm Vân Long là một trong hai vùng chè ngon nổi tiếng của huyện Đại Từ. Giống như ông Thanh, gia đình ông Nguyễn văn Cường, xóm Phả Lý, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) cũng thu nhập cao từ cây chè. Với 2 mẫu chè, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng. Có được mức thu nhập như vậy, ông đã phải mạnh dạn phá bỏ một phần diện tích chè trung du sang trồng chè cành và áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt. Đến nay, gia đình ông đã có gần 1mẫu chè cành giồng LDP1, TRI 777...
Hầu hết người làm chè ở tỉnh ta đều khẳng định, hiện tại chưa có cây trồng nào cho thu nhập cao, ổn định như cây chè. Đây chính là cây trồng mang lại sự phồn thịnh cho các xóm, làng, giúp những vùng quê nông thôn ngày càng đổi mới. Qua so sánh giá trị thu được trên cùng một diện tích cho thấy, thu nhập của 1 sào chè cao gấp 3 lần 1 sào lúa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ khẳng định: Phần lớn, những gia đình có thu nhập cao từ làm chè đã áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGap. Với chất lượng ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá chè sản xuất theo loại hình này sẽ bán được với giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi sản phẩm chè sản xuất theo phương thức truyền thống. Hầu hết các hộ làm chè đều nhận định sản xuất chè an toàn là cần thiết, là hợp với xu thế và trào lưu phát triển chung.
Tuy vậy, hiện nay người làm chè của tỉnh ta vẫn chưa tận dụng hết những lợi thế sẵn có. Tại một số địa phương, nhiều hộ dân còn hoạt động nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Không ít gia đình làm chè theo tinh thần tự học, tự mày mò. Người có kinh nghiệm, bí quyết làm được chè ngon thì bán với giá cao, còn lại đều mang ra chợ bán chè mộc, chè nguyên liệu giá rẻ. Bởi vậy, việc tạo thành mối liên kết cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè của các làng nghề trong tỉnh vẫn chưa thực hiện tốt. Để việc làm giàu từ cây chè có sự phát triển bền vững thì một đòi hỏi tất yếu đặt ra là giá trị thu nhập phải không ngừng nâng cao.
Theo kế hoạch, tháng 6 năm năm nay là thời điểm được tỉnh ấn định để hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn. Một thực tế là chè Thái Nguyên đã có một thương hiệu chính thống, được Nhà Nước bảo hộ. Song cho đến giờ, phần lớn chè Thái chỉ được tiêu thụ trong nước. Việc tạo cho sản phẩm chè tỉnh ta có chỗ đứng trên thị trường quốc tế vẫn là “bài toán” khó. Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè, chúng tôi nhận thấy, nhiều năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu chè của tỉnh hầu hết là xuất khẩu thô, giá trị kinh tế thấp, thậm chí giá trị của chè xuất khẩu còn thấp hơn cả giá trị chè nội tiêu. Có một tín hiệu vui là trong năm qua, Doanh nghiệp trà Hạnh Nguyệt với sản phẩm “siêu” chè (trà hoa nghệ thuật) đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu nâng tầm giá trị chè Thái Nguyên lên trên dưới 10 triệu đồng/kg. Các nông hộ cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp đương nhiên sẽ được hưởng lợi cao hơn. Vì vậy, theo các nhà chuyên môn, việc quy hoạch chè cần đảm bảo được sự đồng bộ giữa 4 nhà, tạo ra tính tương hỗ để kích ứng phát triển. Đồng thời từ quy hoạch, phải hình thành những vùng sản xuất chè an toàn tập trung, góp phần hình thành thương hiệu sản phẩm. Đòi hỏi, những gia đình có diện tích sản xuất chè ít sẽ phải hợp tác, tích tụ, tạo liên kết trong sản xuất.