Đường đi của trà Thái

07:28, 19/04/2011

Mở gói trà xanh Tân Cương, mùi thơm bay lên, nguyên vẹn như gói trà đang trong cơ sơ sản xuất. Từng chiếc lá khô đều, nhỏ như móc câu, còn một mầu xanh thẫm, không có vụn, không bị vỡ ra thành mảnh, nước trà mới đầu thì xanh óng hơi ánh vàng, sau mươi phút thì ngả sang mầu vàng ánh cam, trong vắt, không có bọt, không có váng, không đắng và thơm mùi cốm mới.

 

Tôi lên máy bay về lại Pháp, đem theo trong hành lý đến cả 5 kí lô đủ mọi loại trà miền Bắc, phần thì được tặng, phần thì lặn lội đi tìm mua cho bằng được. Gói trà tôi đi xa nhất để mua, ở tận cửa khẩu Thanh Thủy nằm bên dòng sông Lô, một điểm biên giới cực Bắc giữa Hà Giang và Trung Quốc, là trà Phìn Hồ, một loại trà Shan Tuyết của xã Hoàng Su Phì, Hà Giang. Cái quán nhỏ, đơn sơ, nằm ngay biên giới, vắng khách, chỉ có vài mặt hàng, lại có bán một loại trà ngon, đặc sản. Ở Tuyên Quang, chúng tôi còn phải gõ cửa vào sáng sớm, đánh thức người bán hàng, để mua mấy hộp trà xanh. Về Yên Bái, chú lái xe dõi mắt tìm cho ra một quán bán trà ven đường, may quá, xe đang lướt qua chợt thấy cái biển  “Đại lý chè Suối Giàng“ nằm giữa những biển quảng cáo khác, vội vàng phanh gấp, lùi xe  để mua vài gói trà đem về. Trong nhà tôi lại còn một số các loại trà đen, trà xanh, trà hoa, trà thảo mộc khác nữa, khách đến thăm tha hồ mà chọn trà và uống trà.

 

Ông hàng xóm cười thật vui khi nhận một gói trà xanh Thái Nguyên từ tay tôi, người đi xa mới về, món quà nhỏ trở nên rất quý vì mua không đâu có. Ông hãnh diện có được gói trà ngon chính gốc Việt Nam và kể khách đến thăm ông, uống một tách trà của gói trà năm ngoái tôi đem về tặng ông, đều khen trà thơm ngon và hỏi: mua ở đâu?

 

Một câu hỏi quyết định cho một sản phẩm. Năm nay về thăm Thái Nguyên lần đầu tiên, tôi may mắn có cái diễm phúc được thăm đồi chè, xem hái chè và chứng kiến tận mắt các công đoạn sản xuất trà xanh Thái Nguyên tại một cơ sở thủ công sản xuất trà đặc sản, sự kiện gây ấn tượng mạnh và cho tôi một kỷ niệm rất đẹp, nên sau đó, tôi đặt câu hỏi, làm thế nào để trà đến tận tay người thưởng lãm, tiêu thụ. 

 

Các công đoạn sản xuất trà chỉ mới là một phần ba của đường đi, thứ nữa là khâu đóng gói tạo dựng thương hiệu cho đến khi hoàn tất thành phẩm, phần quan trọng cuối cùng vấn đề phân phối sản phẩm ra thị trường. Trà có vượt được ngàn dặm đường, xa hẳn nơi gốc sản xuất, được không?

Rời Thái Nguyên, đi đến đâu tôi cũng để ý xem sự có mặt của trà Thái Nguyên trên thị trường nội địa và tôi tìm ra nhiều loại trà Thái Nguyên với nhiều cách đóng gói khác nhau, mầu sắc khác nhau, thương hiệu khác nhau, luôn cả trà rời bán theo cân lượng.

 

Chợ Bến Thành, nổi tiếng là cao giá nhất trong các chợ ở thành phố, nhưng các người bán hàng đều chào mời vui vẻ, sẵn sàng cho khách xem, ngửi mùi trà… và cách gói hàng, cô ơi, mua đi, em đóng gói cẩn thận, bảo đảm, để cô đem đi… các quán bán cà phê, trà…trong chợ đều có bán trà Thái Nguyên, giá cả khác nhau, có nơi bán 40.000đ một lạng, có nơi 45.000đ, có nơi 50.000đ.

 

Ở Hà Nội, trong thành phố cũng như tại phi trường đều có bán trà Thái Nguyên. Ở Huế, Qui Nhơn tôi cũng thấy có trà Thái Nguyên. Nhưng khi đến Châu Đốc thì không thấy có trà Thái Nguyên nữa. Có thể, khâu phân phối trà Thái Nguyên trong thị trường nội địa Việt Nam có lẽ dừng lại tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Có một điều mà tôi tiếc vô cùng, là các khách sạn, nhà hàng tại Việt Nam thường cung ứng loại trà Lipton cho khách, ít sử dụng trà đen, trà xanh của Việt Nam. May mắn lắm thì có nơi có trà xanh túi lọc để phục vụ khách, nhưng lại là loại trà kém chất lượng. Ở Hà Nội, phải vào khách sạn năm sao Metropole, mới thấy có quầy bán nhiều loại trà cho khách du lịch, đa số là người nước ngoài, đến thăm Việt Nam. Quầy đóng bằng gỗ sơn đen, các bình đựng đều bằng thủy tinh, chiếu đèn vàng ấm cúng tranh tối tranh sáng, nhìn rất sang trọng, lịch lãm. Làm sao vận động các khách sạn, nhà hàng, nơi nghỉ dưỡng cung ứng cho khách các loại trà ngon, trà đặc sản, theo thiển ý, là một công việc gấp rút hàng đầu cần phải làm để đưa trà ngon Việt Nam vào tiềm thức thưởng lãm, tiêu thụ của thế giới.

 

Khi rời sân bay Tân Sơn Nhất, tôi vừa yên lòng là trà Thái Nguyên được bày bán trong quầy hàng nằm ngay tại chỗ hành khách đi nước ngoài chờ đợi lên máy bay, như thế, mọi người đều có cơ hội, ai chưa mua, thì còn mua được trà ngon trước khi rời Việt Nam, tôi vừa thắc mắc là cô em bán hàng, đang ngồi im lặng nhìn người qua lại, có tha thiết giới thiệu những mặt hàng đặc sản trong cửa hàng của mình hay chỉ thụ động thâu tiền khi khách đã lựa chọn xong hàng hóa, lại vừa tiếc rằng các gói trà, hộp trà to lớn quá, cồng kềnh quá, khách  du lịch đã có nhiều hành lý nặng nề, xách tay không còn chỗ để nhét thêm vào một gói (hộp) trà to. Tại Đức có phương cách tiếp thị với những “sản phẩm 1 EURO”, tại sao người sản xuất trà Việt Nam không đóng những gói trà nhỏ và chỉ bán có 1euro thôi, cho khách dễ mua đem về?

 

Ngoài ra, một công ty tại Tp. HCM cũng trưng bày những bộ ấm tách để uống trà bằng men sứ trắng rất đẹp, rất phù hợp với thẩm mỹ của người Âu châu trong một cái tủ kính tại phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng lại không có bán và nếu có, du khách cũng không biết tìm ra trong quầy nào, khu vực nào trong phi trường.

 

Đường đi của sản phẩm trà Việt Nam ra nước ngoài thì cũng tương tự như đường đi của trà trong nội địa, phân phối thẳng hay phân phối qua trung gian đến các đại lý, cửa hàng, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, nhà ga, sân bay, bến cảng… Điều cần thiết là phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và một phẩm chất trà đều đặn, liên tục cho sản phẩm.

 

Việc thiết kế bao bì sao cho đẹp để con mắt người mua dễ nhận ra sản phẩm là rất quan trọng. Cách bày biện, sắp xếp thứ tự trên dưới, cạnh nhau trên một giá để hàng, hay cho sản phẩm đứng riêng một mình cũng là một công cụ tiếp thị hữu hiệu, và chính công cụ này sẽ phát huy hiệu quả của công đoạn bao bì đóng gói.

 

Phương án tiếp thị sản phẩm trực tiếp đến người tiêu thụ theo mô hình của kinh tế thị trường Pháp, thí dụ cho cùng một loại sản phẩm như trà, là hàng rẻ nhất được xếp tuốt xuống dưới tận cùng để cho người mua phải còng lưng, khom người xuống lấy, hàng khó bán ít người mua được để tuốt trên cao để cho người mua phải nhón chân, với thẳng tay mới lấy được hàng, với nguy cơ là khách mua sẽ làm rơi hàng xuống và kéo theo những thứ khác bên cạnh, hàng được đặt vừa tầm mắt người mua là hàng bán chạy, dù giá cả có cao hơn những mặt hàng đồng loại, hàng được đặt riêng một mình là loại khuyến mãi ưu tiên, khách mua sẽ bị bắt mắt ngay và thuận tay lấy hàng. Vì thế, muốn “giết” một sản phẩm nào đó, thì xếp nó vào một góc tối, hay để nó tuốt trên cao, hay tận cùng ngang chân người đi. 

 

Về đến nhà tại Pháp, hôm trước hôm sau, tôi vội vàng lái xe đến một siêu thị lớn, nơi cung ứng mọi nhu cầu của một khu vực dân cư rộng lớn có hơn 40.000 dân, để xem quầy bán trà của họ. Đa phần mặt hàng là nhiều loại trà túi lọc phẩm chất hạng trung bình, một số loại trà được ghi xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka, Ceylan, Nhật Bản, một số loại trà được bán qua trung gian và được chế biến lại tại nước Anh và tại Pháp, ít có trà xanh thiên nhiên, các mặt hàng trà xanh cũng đã được pha trộn với hương thơm thiên nhiên hay hóa học.

 

Mở gói trà xanh của bác Trần Văn Thái, ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên tặng, mùi thơm bay lên, nguyên vẹn như khi tôi đang đứng trước lò sao trà trong cơ sở của gia đình bác ở Thái Nguyên. Bây giờ thì tôi đã biết phân biệt rõ lắm phẩm chất của trà. Gói trà xanh trước mắt tôi có đủ mọi tính chất của một sản phẩm cực kỳ quý báu: từng chiếc lá trà khô đều, nhỏ như móc câu, còn một mầu xanh thẫm, không đen xỉn, mùi thơm nhẹ nhàng, không có vụn, trà không bị vỡ ra thành mảnh, nước trà mới đầu thì xanh óng hơi ánh vàng, sau mươi phút thì ngả sang mầu vàng ánh cam, trong vắt, không có bọt, không có váng, không đắng và thơm mùi cốm mới.

 

Ao ước làm sao, sản phẩm đó và các sản phẩm trà đặc sắc khác của Việt Nam sẽ nổi bật trong Festival Trà Quốc Tế 2011 ở Thái Nguyên để lên đường chiếm lĩnh thị trường thế giới!