Từ thị trấn Ba Hàng đi theo tỉnh lộ 261 đến Km12 là đến “Làng nghề truyền thống chè Đức Phú”, 1 trong 5 làng nghề truyền thống của xã Phúc Thuận (Phổ Yên), được UBND tỉnh công nhận cuối năm 2010.
Chúng tôi đến Làng chè Đức Phú vào những ngày cuối tháng 3, khi làng mới tổ chức Lễ đón Bằng công nhận làng nghề. Dư âm của buổi lễ vẫn còn lan tỏa ở mỗi nhà, mỗi ngõ xóm. Cả làng nhộn nhịp bước vào vụ chè xuân đầy hứa hẹn. Trò chuyện với ông Trần Quang Vạn, Bí thư Chi bộ và anh Trần Văn Tường, Trưởng xóm Đức Phú, được biết: Hiện nay, xóm có 128 hộ, trong đó có 73 hộ trực tiếp làm chè, với 260 lao động. Đến cuối năm 2010, trong số hơn 10ha chè kinh doanh của xóm thì đã có 6ha chè giống mới (LDP1, LDP2, Bát tiên, TRI 777), số còn lại là chè Trung du trồng từ những năm 1980-1990. Một số hộ có diện tích chè giống mới khá lớn như gia đình anh Nhân (có 8 sào), gia đình ông Vạn (5 sào), gia đình anh Giáp (4 sào)…
Các gia đình khác trung bình cũng có 2-3 sào chè cành giống mới, không kể chè Trung du. Theo anh Tường, diện tích chè giống mới của các hộ được trồng trên dưới 10 năm nay, cây chè đang thời kỳ sung sức và cho năng suất ổn định (đạt từ 20-30kg búp khô/sào/ tháng). Năm 2010, sản lượng chè búp của cả xóm đạt gần 40 tấn, doanh thu trên 2 tỷ đồng…
Các cán bộ xóm dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng chè ở đây. Chè tháng 3 sau những đợt mưa xuân đang lên xanh, búp non tua tủa trải khắp cánh đồng. Những bãi bằng và chân ruộng cao trước đây cấy một vụ lúa và trồng 1 vụ màu, nay đã được phủ kín bởi chè cành giống mới, chạy dài theo con suối than và đường đèo Nhỡn đi T.P Thái Nguyên. Đất ở đây có độ màu mỡ cao nên cây chè cành phát triển rất nhanh. Ông Nguyễn Văn Bình, Chi hội trưởng Nông dân xóm Đức Phú hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi từng ruộng chè của các hộ. Như thửa ruộng chè cành LDP1 rộng trên 2 sào của nhà ông mới trồng năm 2005, nay cây chè đã cao trên đầu gối, tán rộng 50-60cm, búp chè có màu xanh đậm, năng suất búp khô đạt gần 30kg/tháng, giá bán thường được từ 100.000-150.000 đồng/kg.
Cả xóm Đức Phú hiện có 73 hộ làm chè thì quá nửa số hộ có kinh nghiệm thâm canh chè cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ông Bình cho biết thêm: Những năm gần đây, Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đã về xã mở các lớp học IPM cho những hộ làm chè nên bà con đã biết thêm được cách chăm sóc, chế biến chè chất lượng cao. Sản phẩm chè của xóm Đức Phú vì vậy ngày càng trở nên nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Quang Vạn, Bí thư Chi bộ cung cấp cho chúng tôi những số liệu thật ấn tượng: Năm 2010, thu nhập bình quân của người dân xóm Đức Phú đạt 16 triệu đồng/người, năm 2011 này phấn đấu đạt 18 triệu đồng/người. Hiện tại hơn 70 hộ làm chè ở đây đều có tôn sao và máy vò chè chạy điện. Nhà văn hóa của xóm được xây dựng từ năm 2009 với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 8 triệu đồng, còn lại chủ yếu do bà con nhân dân đóng góp. Toàn xóm đã xây dựng được trên 5.000m đường bê tông. Số hộ nghèo tính đến hết năm 2010 chỉ còn 4/128 hộ. 100% số hộ trong xóm có nhà xây, xe máy, ti vi, 50% có máy giặt, tủ lạnh. Đã 4 năm liền Đức Phú đạt danh hiệu xóm văn hóa cấp huyện…
Trước khi chúng tôi chia tay, ông Trần Quang Vạn tâm sự: Xây dựng làng nghề chè truyền thống đã khó, song giữ vững và phát huy được danh hiệu này lại càng khó hơn… Tin rằng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và các cán bộ xóm, trong thời gian tới làng nghề chè truyền thống Đức Phú sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, góp phần xây dựng mảnh đất phía Tây huyện Phổ Yên ngày càng trù phú, tươi đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.