Dấu ấn chè Thái Nguyên trên đất Bình Phước

09:28, 30/05/2011

Trong một dịp công tác, tôi được một người dân chính gốc Thái Nguyên mời thưởng thức một ly trà đặc sản Thái Nguyên. Là người lớn lên ở miền Nam, được thử ly trà pha từ người quê Thái Nguyên, một cảm giác thật ấn tượng so với những lần uống trà khác. Uống hết bình trà được chủ nhà pha, tôi được nghe rất nhiều về trà Thái Nguyên. Xin giới thiệu với các bạn về trà và chất lượng trà Thái từ phương Bắc giao thương đến Bình Phước.

Cây chè có tên khoa học là Camellia sinensis, là loài cây mà lá và chồi được sử dụng để sản xuất chè uống. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chè đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, chè sản xuất trong nước cũng như chè nhập khẩu từ nước ngoài: chè Ô Long, chè Bát Tiên, chè Blao, chè Thái Nguyên… Ở Việt Nam, chè Thái Nguyên đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hang hóa. Cây chè cũng được coi là cây trồng chính, đem thu nhập cho những người dân sống trên các vùng đồi núi ở tỉnh Thái Nguyên. Chủ nhà mời uống trà cho biết: Vùng chè Tân Cương được các nhà chuyên môn cũng như người tiêu dùng đánh giá cao. Đây có thể coi là vùng nguyên liệu chè tiêu biểu, nổi tiếng với hương thơm cốm dịu dàng đặc trưng, màu nước xanh trong, sáng và bền, vị chát dịu và ngọt hậu. Uống chè rất tốt có thể giúp chữa bệnh, đối với người ghiền chè Bắc không gửi kịp chè ngoài quê vào, phải tìm mua ở Bình Phước chất lượng không như ý.

Để tìm hiểu chất lượng và phương thức giao thương chè Thái Nguyên đến Bình Phước, tôi tìm đến một điểm bán hàng trà có uy tín tại chợ Đồng Xoài để tìm hiểu. Chủ điểm bán trà cho biết: Cơ sở là điểm phân phối các mặt hàng trà cho các tiểu thương buôn bán trong tỉnh. Mặt hàng trà Thái Nguyên tôi có là tình cờ trước đây có người quen ở Thái Nguyên giới thiệu và thu mua hộ. Tuy nhiên, để có lượng hàng khoảng 600kg trà Thái Nguyên cung cấp cho thị trường tỉnh thì phải đăng ký gửi theo xe khách tuyến Đồng Xoài - Thái Nguyên, mà mỗi chuyến đi về phải mất khoảng 10 ngày. Vì vậy, mặt hàng này rất hút so với các loại trà khác ở tỉnh, nhưng chưa có điểm gốc để liên hệ trực tiếp nhập hàng. Với mỗi chuyến như vậy phải nhờ nhà xe chuyển tiền trước, đợt sau mới có được hàng.

Dạo quanh một vòng trong chợ Đồng Xoài và các điển bán trà ở các huyện trên địa bàn tỉnh, đa số mặt hàng trà Thái Nguyên đều ở dạng thô, chưa đóng gói và nhãn hiệu như các nhãn trà khác. Qua cuộc nói chuyện, tôi được biết các điểm bán phân ra làm nhiều loại và có giá khác nhau, từ 50.000 đồng - 80.000 đồng và cũng có loại đến hơn 140 ngàn đồng/kg. Và những loại như thế không thể phân biệt rõ ràng, chỉ có những người rành về trà Bắc mới biết được chất lượng từng loại mà mua. Tại quán cà phê Trung Nguyên (Đồng Xoài) chủ quán cho biết: là quán kinh doanh giải khát, muốn giữ được mối khách quen đến quán, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều loại trà khác nhau. Tuy không rành lắm về trà, tôi cảm thấy khách vào quán đều thích dùng trà Bắc hơn và mỗi tháng quán phải mua đến gần 20kg trà Thái Nguyên tại chợ Đồng Xoài để phục vụ khách.

Một điểm bán chè Thái Nguyên tại thị xã Đồng Xoài

Được biết, mấy năm gần đây tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động nhằm xúc tiến, quảng bá thương hiệu chè thông qua các lễ hội trà, giao lưu văn hóa trà Thái Nguyên, đã đem lại hiệu quả đáng kể, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nhưng thực tế tại tỉnh Bình Phước, để tìm một thương hiệu, một đại lý chính thức của chè Thái Nguyên là khó. Theo một người tâm huyết với chè Bắc, hiện nay trên thị trường “chè Thái Nguyên” xuất hiện khắp nơi, nhưng để kiếm một cân chè Thái Nguyên thực sự thì quả không dễ. Ở đâu, người ta cũng lấy tên chè Tân Cương (Thái Nguyên), khiến cho người mua không biết thật, giả.

Để câu “Chè Thái gái Tuyên” nói lên sự đặc biệt của hương vị chè, cũng như nhan sắc mà thiên nhiên ban tặng cho từng vùng miền của Tổ quốc. Không phải lên Thái Nguyên mà vẫn có thể thưởng thức hương vị chè nổi tiếng ở mọi miền nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Để đạt vấn đề này các nhà sản xuất, kinh doanh chè Thái Nguyên đừng bỏ ngõ một địa phương nào để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm của con người Thái Nguyên làm nên.