Góp phần nâng cao vị thế chè Thái Nguyên

09:43, 23/05/2011

Qua một mùa đông lạnh giá, giờ, những nương chè ở các xã Phúc Trìu, Phúc Xuân, Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã xanh trở lại. Trên nương chè, tiếng cười nói râm ran, các bà, các chị đang miệng nói, tay làm, chẳng mấy chốc, chiếc thạ đã đầy những búp chè tươi một tôm hai lá non mỡn.

 

Khi thiên nhiên và con người hòa quyện, càng tô điểm thêm cho vùng chè này một vẻ đẹp tiềm ẩn. Có lẽ, đây là lý do Thái Nguyên chọn các xã trên để du khách tham dự Festival Trà Quốc tế 2011 (sẽ tổ chức tại Thái Nguyên vào tháng 11 tới) khám phá những nét đẹp của cây chè và người trồng chè xứ Thái.

 

Chị Ngô Thị Hường, một người dân ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương cho hay: Hiện nay, người trồng chè ở Tân Cương đã ý thức được hiệu quả của việc sản xuất chè an toàn bởi ngoài đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng thì chất lượng cũng như giá bán chè sẽ được nâng lên. Trung bình, mỗi ki-lô-gam chè an toàn thành phẩm có giá bán cao hơn chè sản xuất theo phương thức truyền thống khoảng 50 đến 100 nghìn đồng. Về ý thức sản xuất chè an toàn thì chị Hường không còn là một ngoại lệ bởi hiện tại, hầu hết các hộ làm chè ở vùng chè đặc sản Tân Cương đã quan tâm tới quy trình sản xuất này dù để có một ki-lô-gam chè “sạch từ nương chè đến bàn trà” tốn nhiều công sức hơn sản xuất chè theo phương thức truyền thống.

 

Cụ thể, các hộ phải sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Đây là một quy trình áp dụng tự nguyện nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn, ngăn ngừa và giảm thiểu những mối nguy cơ tiềm ẩn về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế nông sản. Quy trình có 11 nội dung chính để thực hiện quản lý và sản xuất, bao gồm: Đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất; giống, gốc ghép; quản lý đất; phân bón, chất phụ gia; nước tưới; hóa chất; thu hoạch, xử lý sau thu hoạch; quản lý, xử lý chất thải; điều kiện làm việc; đào tạo người lao động; ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra nội bộ việc thực hành theo tiêu chuẩn. Kết quả đáng mừng này có được sau khi các hộ dân ở Tân Cương tham gia Dự án Nâng cao năng lực người dân trong sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ do Tổ chức Agriterra (Hà Lan) tài trợ.

 

Chị Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Ngoài Tân Cường, còn có các xã nằm trong vùng chè đặc sản của tỉnh như Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) và La Bằng (Đại Từ) cũng tham gia vào Dự án. Đây là Dự án đầu tiên Hội Nông dân tỉnh trực tiếp thực hiện với mục tiêu là nâng cao nhận thức của người trồng chè trong sản xuất chè an toàn, qua đó, bà con sẽ sản xuất ra sản phẩm “sạch từ nương chè đến bàn trà”. Đồng thời, tăng cường khả năng liên kết về sản xuất, tiêu thụ cũng như quảng bá, tiếp thị sản phẩm chè cho người nông dân; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Hội Nông dân.

 

Dự án này bắt đầu triển khai từ 1-7-2007 tại các xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, đến năm 2009 thì mở rộng lên xã La Bằng (Đại Từ) và kết thúc vào tháng 12-2010. Tham gia Dự án, hộ trồng chè được tham gia các lớp tập huấn sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; được hỗ trợ bao bì đóng gói sản phẩm; chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ; quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ… Ngay từ khi mới triển khai, Dự án đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hộ sản xuất chè. Vào thời điểm kết thúc, Dự án nhận được sự ủng hộ của 540 hộ dân, với 600 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Xuân: Ngay cả khi Dự án kết thúc thì các hộ dân vẫn duy trì sản xuất chè an toàn. Trước đây, đại đa số hộ trồng chè không tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất mà tự ý tăng nồng độ và liều lượng lên gấp đôi, gấp ba gây ảnh hưởng trực tiếp tới người xử lý thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng chi phí sản xuất, làm cho sâu bệnh hại kháng thuốc, năng suất thấp dẫn đến lợi nhuận thấp. Sản phẩm được sản xuất ra không đảm bảo đủ chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đất, nước, không khí. Tham gia Dự án, nhận thức của người làm chè đã thay đổi. Người dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách). Bà con đã hạn chế sử dụng phân hóa học, tăng cường sử dụng phân vi sinh tự ủ…

 

Một thành công nữa là thông qua thực hiện Dự án này, Hội Nông dân đã thành lập được 18 mô hình tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ chè. Chị Nguyễn Thị Ngà cho biết thêm: Mặc dù Dự án đã kết thúc nhưng Hội đang tiếp tục xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX). Theo đó, sẽ tổ chức cho hộ làm chè an toàn ở 4 xã này tham gia vào một HTX để tập trung vào một đầu mối, từ đó tiếp tục duy trì hình thức sản xuất chè an toàn, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm…

 

Tuy nhiên, để sản phẩm chè an toàn của bà con có chỗ đứng trên thị trường thì việc cần làm nhất hiện nay là phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (hiện người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được chè an toàn và không an toàn). Do đó, rất mong các cấp, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để bà con làm các thủ tục cần thiết trong quá trình xin đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Khi các sản phẩm chè này đạt yêu cầu về mặt chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đồng nghĩa với việc sản phẩm chè Thái sẽ được nâng cao vị thế hơn nữa tại Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất.