Sáng tháng 5, trời trong xanh, nắng như dát vàng óng ánh trên những bãi chè ở xã Phú Thịnh (Đại Từ). Dẫn chúng tôi len lỏi giữa nương chè đang tủa búp xanh non của gia đình anh Lý Văn Cương, xóm Phố, đồng chí Lâm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là một trong những nương chè thuộc Câu lạc bộ (CLB) chè sạch của xã được sử dụng chế phẩm IPM để chăm bón. Hiện, bà con đang tích cực chăm sóc để tạo ra sản phẩm chè hảo hạng nhằm mang đến trưng bày, quảng bá, giới thiệu với du khách thập phương tại Festival Trà Quốc tế diễn ra vào cuối năm nay tại Thái Nguyên.
Phú Thịnh là xã giáp ranh với huyện Định Hóa và Phú Lương. Do địa hình đồi núi nhiều, ruộng ít nên những năm gần đây bà con trong xã đã phát triển mạnh cây chè, coi đây là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Nhớ lại năm 1998, chúng tôi có dịp qua xã, đây còn là vùng đất khô cằn, mấp mô những quả đồi toàn cây dại mọc, bà con cấy lúa trên những mảnh ruộng manh mún nằm dưới chân núi. Thế mà nay màu xanh của chè đã che phủ đến ngút tầm mắt. Ngạc nhiên trước những đổi thay ở đây, tôi buông câu đùa: Hình như núi ở đây đã bị “cưa” bớt đi rồi? Đồng chí Chủ tịch UBND xã cười giòn: Đúng đấy, bởi các giống chè cành mới không ưa đồi dốc nên một số khu đồi cao trước đây đã được bà con san thấp để trồng chè cành. Nhân dân địa phương bắt đầu đưa cây chè vào sản xuất hàng hóa từ khoảng năm 2000 và phát triển mạnh mẽ từ năm 2003 trở lại đây. Từ chỗ chỉ có lác đác vài hộ trồng mỗi hộ trồng vài thước, đến nay toàn xã đã có tổng diện tích chè gần 180 với sản lượng mỗi năm trên 1.500 tấn búp tươi. Năm 2003, xã đã thành lập CLB chè sạch gồm 60 hộ tham gia với tổng diện tích trên 40ha. Đặc biệt, từ năm 2007 trở lại đây, bà con đã tích cực đưa những giống chè cành như: TRI 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1… vào sản xuất, 100% diện tích trồng mới đều là các giống chè này. Đối với những nương chè trung du đã cằn cỗi, kém hiệu quả, bà con cũng trồng thay thế bằng các giống chè cành. Tính riêng trong năm 2010, toàn xã trồng mới và trồng lại được 12ha chè cành, nâng diện tích chè của toàn xã từ 166 lên 178ha, trong đo có khoảng 35% diện tích trồng chè cành.
Ngoài việc tích cực mở rộng diện tích chè, chuyển đổi các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xã còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc chè, thường xuyên đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại các vùng chè nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng… để về áp dụng tại địa phương như: Quy trình sản xuất chè sử dụng chế phẩm IPM, quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Vietgap… Chỉ tay về phía bãi chè vừa mới trồng mới thuộc xóm Đồng Chằm, đồng chí Lâm Văn Cầu cho biết thêm: Hiện nay, xã đang tập trung thống kê toàn bộ diện tích đất sản xuất không hiệu quả để chuyển sang trồng chè. Công việc thống kê này đã được thực hiện từ tháng 2-2011, đến nay đã thống kê được 3 xóm là: Xóm Phố, Đồng Chằm và xóm Gò với tổng diện tích dự kiến sẽ chuyển đổi là 9ha. Cho đến thời điểm này, những thửa ruộng úng, nhiễm phèn cấy lúa không hiệu quả, bà con đã đổ thêm đất mầu và trồng chè được hơn 10 sào. Anh Lý Văn Cương cho biết: Gia đình tôi có khoảng 7 sào đất trong đó 4 sào là đất bãi và đồi thấp thì năm 2003 tôi đã trồng chè, từ 4 sào chè này mỗi năm cho thu 7 lứa, mỗi lứa trên 20kg búp khô, bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Nhờ đó kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước. Diện tích còn lại đều là ruộng úng, trước đây tôi vẫn cấy 1 vụ lúa, nhưng do năng suất kém nhiều năm mất mùa nên vài năm trở lại đây tôi đã bỏ không canh tác. Vừa rồi, sau khi xã thống kê, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, tôi đã đổ đất cao lên để trồng chè. Đến nay, chè đã bắt đầu lên xanh, phát triển tốt hơn cả diện tích chè trồng trước trên đồi, dự kiến cuối năm sẽ cho thu hoạch.
Cây chè đã thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo đối với bà con ở đây. Nhờ chè, đời sống của bà con đã khá hơn trước rất nhiều. Toàn xã có trên 1.000 hộ với gần 4.000 nhân khẩu, mỗi năm số hộ nghèo giảm từ 2-3%. Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện xã còn 400 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Tuy nhiên, sản phẩm chè ở đây vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường, chưa có thương hiệu, do vậy giá bán vẫn ở mức thấp. Tại thời điểm này, giá 1kg chè búp khô của địa phương chỉ vào khoảng 70-75 nghìn đồng. Xác định để tiếp tục đưa cây chè Phú Thịnh phát triển, cần thiết phải xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm chè Phú Thịnh, chính vì vậy tháng 3-2011, xã đã mời Viện chè Phú Thọ về lấy mẫu chè để phân tích, đồng thời làm thủ tục để xây dựng thương hiệu chè Phú Thịnh.
Năm 2011, tỉnh ta được đăng cai tổ chức Festival Trà Quốc tế. Đây là một cơ hội lớn để Thái Nguyên nâng cao vị thế sản phẩm chè của mình. Xã Phú Thịnh cũng nhân cơ hội này để mang sản phẩm chè giới thiệu với du khách. Từ bây giờ, bà con trong xã đang tích cực chăm sóc chè. Đặc biệt xã lựa chọn một nương chè phát triển tốt của gia đình bà Lương Thị Cảnh, ở xóm Làng Thượng, là diện tích thuộc CLB chè sạch để thu hái, chế biến, mang trưng bày và mời khách thưởng thức tại Festival với hy vọng sẽ tạo dấu ấn cho khách thập phương để xây dựng một thương hiệu trong lòng những người thưởng thức chè Phú Thịnh.