Tuyên Quang là tỉnh miền núi có diện tích chè trên 8.000 ha, sản lượng chè búp tươi trên 47.000 tấn, nhưng không ít người tiêu dùng Tuyên Quang vẫn có thói quen sử dụng chè Thái Nguyên. Do đặc điểm đất đai và khí hậu phù hợp với cây chè, nên chè Thái Nguyên có hương vị tự nhiên (hương như cốm, vị đậm đà). Thưởng thức chén trà có màu nước xanh trong, cảm giác chát đầu mà ngọt hậu, vị ngọt lắng sâu sau khi uống chén chè.
Xâm nhập vào thị trường bán sản phẩm chè khô tại thành phố Tuyên Quang, các hộ kinh doanh chè đều thừa nhận, người bán ít cũng vài tạ, người bán nhiềù tới cả vài tấn. Chị Phạm Thu Phương ở tổ 4 phường Minh Xuân cho biết: gia đình tôi bán chè đã hơn chục năm, nhưng trong các sản phẩm chè không thể thiếu đi mặt hàng chè Thái Nguyên. Cũng do nhu cầu của người tiêu dùng, mỗi tháng gia đình bán ra vài chục cân, tháng bán được nhiều lên tới cả tạ. Mỗi khi nhập sản phẩm chè về bán, chị Phương có thói quen thử chè theo kinh nghiệm truyền thống đó là nhai, nhả bã thấy chè xanh như khi sao, khi uống, ngậm lâu trong cổ họng thấy ngọt dần của vị chè. Tại doanh nghiệp bán chè, mật ong và tam thất của chị Nguyễn Kim Oanh ở tổ 23, phường Phan Thiết cho biết, sản phẩm chè Thái có mặt ở ẩt hàng từ những năm 1996 đến nay. Mỗi năm cửa hàng bán ra thị trường từ 5 đến 6 tấn chè, trong đó có gần 2 tấn sản phẩm chè Thái Nguyên. Do sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm chè nhập và bán ra tại cửa hàng của chị Oanh luôn đảm bảo chất lượng có độ tin cậy cao, nên số người mua chè mỗi năm một tăng. Đặc biệt là thời điểm Tết Tân Mão vừa qua, nhu cầu tiêu dùng và làm quà biếu tăng, cửa hàng không có đủ sản phẩm để bán.
Sát chợ Tam Cờ, cửa hàng nông sản Quý Trình được các hộ kinh doanh tôn vinh là địa điểm bán chè nhiều vào hạng nhất, nhì trong thành phố. Chị Vũ Thị Quý, chủ cửa hàng cho biết, gia đinh bán chè Thái nguyên từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Với trên 20 năm bán chè Thái trên đất Tuyên Quang, phần lớn khách hàng là người quen và các chủ hàng bán lẻ. Cửa hàng có uy tín về bán sản phẩm chè Thái Nguyên được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn biết đến, cũng bởi chủ cửa hàng có liên hệ mật thiết với các cơ sở sản xuất bên tỉnh bạn. Do có sự liên kết giữa sản xuất với tiêu dùng, nên sản phẩm chè của cửa hàng bán ra đạt doanh thu khá cao. Năm 2010, cửa hành Quý Trình doanh thu từ sản phẩm chè đạt 80 triệu đồng, trong đó có 42 triệu đồng thu được từ tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên. Theo chị Quý, sản phẩm chè Tuyên Quang bán ra hiện nay từ 80 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg, thì chè Thái Nguyên có giá từ 180 đến 200.000 đồng/kg. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng cũng tăng lên, giá chè Thái Nguyên tuy cao gấp 2 lần chè Tuyên Quang, nhưng bù lại nét hương, vị rất riêng biệt của mặt hàng này, nên sản lượng chè bán ra vẫn nhiều hơn. Qua nhiều năm bán hàng điều dễ nhận thấy 2 đối tượng thường xuyên mua sản phẩm chè Thái Nguyên là người sành dùng chè (nghiện chè) và mua làm qua biếu. Những khách hàng thường xuyên đến cửa hàng không mấy khi so bì về giá cả cao hay thấp, mà quan trọng với họ là chất lượng chè phải được đảm bảo, không pha trộn.
Các chủ cửa hàng chè có sản phẩm chè Thái Nguyên đều chung nhận xét, bán sản phẩm gây dựng được niềm tin với người tiêu dùng là điều quan trọng. Đặc biệt, tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên có thương hiệu, người bán hàng cũng “bớt công” quảng bá, mà vẫn thu hút được nhiều khách hàng. Từ uy tín sản phẩm, người bán hàng muốn gây dựng thương hiệu cửa hàng thì phải giữ đúng chất lượng sản phẩm, có như vậy mới tạo lòng trung thành của người tiêu dùng. Chất lượng sản phẩm, uy tín cửa hàng sẽ giảm phần chi phí khâu tiếp thị và chống lại sự cạnh tranh quyết liệt về giá.