Trà Thái Nguyên ở đâu

09:35, 05/05/2011

Phải lặn lội vượt hơn mười ngàn dặm đường chim bay về đến tận Thái Nguyên học cách làm chè, uống thử một chén chè xanh vừa sao xong, tôi mới ngộ ra cái chân lý, thế nào là một chén chè ngon, bổ dưỡng, an toàn. Trở lại Pháp, tôi đặt câu hỏi, người dân ở đây uống trà cũng nhiều, đủ loại trà, thế thì đó là loại trà gì và trà gốc ở đâu, trà Thái Nguyên có bán ở đâu không?

 

Buổi sáng, thói quen của người Pháp cũng là sự lựa chọn giữa trà và cà phê. Một phần uống trà buổi sáng, đa phần uống cà phê. Họ có thói quen uống cà phê trong một cái tô nhỏ, chấm bánh mì quét bơ vào cà phê trong tô, cho có hương vị cà phê rồi mới ăn. Chỉ có người theo mốt “pa-ri-siêng” thì uống cà phê buổi sáng trong một cái tách nhỏ xíu. Sau bữa ăn trưa, họ cũng uống một tách cà phê nhỏ, đậm đặc, để chấm dứt bữa ăn. Nhưng đến giấc bốn giờ chiều thì tách trà xuất hiện. Người ta cũng uống cà phê lúc bốn giờ, nhưng trà được uống nhiều.

 

Paris, trong khu buôn bán của người châu Á trong quận 13, có nhiều sản phẩm nhập từ châu Á, trong đó có trà. Các siêu thị to lớn tại Pháp thường có hẳn một quầy riêng biệt cho trà, nhưng sản phẩm bày bán thường là những loại trà túi lọc, đã “mất gốc”, có nghĩa là họ mua trà thô rồi chế biến lại theo khẩu vị người uống, cho thêm nhiều hương liệu thiên nhiên và hóa học, có mùi hoa hay mùi trái cây, mùi gạo rang, mùi khói… và đóng gói bán dưới thương hiệu của họ. Một ít loại trà được tạo thành sản phẩm có mang gốc tích Ấn Độ, Nhật Bản hay Trung Quốc.

 

Tôi vào quận 13 tìm đến một cửa hàng của người Việt tìm mua trà Việt Nam. Cửa hàng cung cấp cho khách một số mặt hàng trà túi lọc và trà rời để lựa chọn, nào là trà gừng, trà A-ti-sô, trà Hà thủ ô, trà xanh rau má, trà Linh chi, trà Giải cảm, trà thanh nhiệt, trà Olong, trà Sen và trà Lài của Lai Châu và của thương hiệu Cầu Tre…, nhưng không có trà Thái Nguyên. Hỏi người bán hàng thì họ không biết trà Thái Nguyên. Trà Thái Nguyên ngay tại trong nước, được người bán giới thiệu là trà Bắc, ở trong miền Nam thì người ta quen uống trà Đà Lạt, trà Bảo Lộc hơn. Tôi giới thiệu với họ là trà Thái Nguyên ngon lắm, thì họ cho biết, nguồn hàng của họ, mua theo thói quen và giá cả, cũng như công việc nhập hàng đã quen thuộc, dễ dãi, không có mặt hàng trà Thái Nguyên.

 

Tại Paris có nhiều cửa hàng sang trọng, đặc biệt chỉ bán trà, hay trà và cà phê. Có nơi, có chỗ ngồi ấm cúng, sang trọng, cho khách thưởng thức trà, ăn bánh ngọt. Nhưng hầu hết họ chỉ cung cấp sản phẩm từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, ba nước hiện đang chiếm lĩnh thị trường trà thế giới. Trong mọi nhà hàng, quán ăn Á châu đều có bán trà là thức uống, nhưng cũng chỉ toàn là trà túi lọc của Trung Quốc, thông thường nhất là loại trà hoa Lài (thé au jasmin). Còn trong các nhà hàng Pháp họ thường bán loại trà túi lọc Lipton, gọi là trà đen, nước màu nâu đậm, có váng, nước trà hôi có mùi bột cá. Một số nhà hàng sang trọng bán trà có chất lượng tốt hơn, cũng là trà túi lọc, một bình trà giá là 7 euros. Thậm chí, đến tận Canada, một chủ tiệm nhà hàng ở Montréal mà tôi quen, cho tôi biết là nhà hàng của ông cũng có bán trà cho khách dùng, nhưng là loại trà ướp hoa Lài, trà xanh của Trung Quốc, mua ở các siêu thị bán hàng Á châu. Ông cũng nói thêm là thực khách thường uống rượu, trà chỉ bán được rất ít, và bản thân ông chưa bao giờ được uống trà Thái Nguyên. Một người bạn khác từ bên Đức viết thư cho tôi,  rằng anh đã đi khảo sát hộ tôi ở một tiệm bán trà đẹp nhất thành phố, nhưng anh cũng thất vọng là không thấy có bán trà Việt Nam. Họ bán phần lớn các loại trà đã được pha chế theo khẩu vị của Đức như trà thơm mùi vani, mùi marzipan, mùi bánh  “Printen” (anis). Rồi anh trêu tôi, khi nào thì tôi bán trà Việt Nam!

 

Thất vọng ở Paris, tôi tìm về các thành phố nhỏ. Tôi đến Senlis, một thành phố cổ kính cách Paris khoảng 50 cây số về hướng Bắc. Senlis là nơi lên ngôi của Hugues Capet, vị vua Pháp đầu tiên của dòng vua “les Capétiens”, mà vị vua cuối cùng chính là vua Louis XVI, người đã bị Cách mạng dân chủ Pháp 1789 đưa lên máy chém vào ngày 21-1-1793 tại quảng trường La Concorde, Paris hiện nay. Senlis có truyền thống bảo hoàng, quý tộc, trưởng giả, mà trà, một sản phẩm thuộc địa từ Á châu, Phi châu đã được các thương thuyền Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Hòa Lan nhập vào Âu châu từ thế kỷ thứ XVII để dâng cho vua chúa và triều đình, nên tầng lớp quý tộc xem việc thưởng thức trà là một đặc quyền từ thời ấy.

 

Trong thành phố nhỏ ấy, có đến ba tiệm bán trà đặc sản, vừa là nơi khách ngồi uống trà, ăn bánh, ăn các món ăn nhẹ. Tôi vào một tiệm sau giờ ăn trưa, nơi khách còn ngồi uống trà. Trên thực đơn “trà”, họ có đến hơn 20 chục sản phẩm trà khác nhau, nhưng không có trà Việt Nam. Tôi gọi một ấm trà xanh mang gốc Nhật, giá là 5 euros. Nhìn ấm trà mà tôi hỡi ơi, nước trà đã ngả sang màu vàng cam, không còn hương thơm, như là uống nước bã trà cũ. Nhìn quanh, thấy khách uống trà trò chuyện vui vẻ. Trong một cái bàn nhỏ, kê sát tủ đựng các hộp trà, thùng trà, một đôi tình nhân, tóc đã muối tiêu, đang âu yếm trò chuyện. Người đàn ông luôn vuốt tóc, vuốt má người tình, và người tình thì nắm chặt tay anh, bên tách trà đã nguội. Rất thơ mộng.

 

Tôi đi đến một tiệm bán trà đặc sản khác. Họ cũng có khoảng 20 sản phẩm khác nhau, đóng gói bởi một thương hiệu bán sỉ trà, mỗi gói đựng 50 gram trà, tất cả đều là trà từ Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc. Mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy hai chữ “Việt Nam” trong một hộp trà bày trịnh trọng trong tủ kính. Đó là một hộp giới thiệu 12 gốc trà trên thế giới, trong đó có trà Việt Nam, mỗi loại trà được đựng trong một ống nhôm nhỏ, chứa khoảng 10g trà. Cái hộp ấy, giá bán là 39,50 euros. Người bán hàng cho biết trà Việt Nam trong hộp là một loại trà đen, nhưng không biết xuất xứ ở đâu.

 

Ông Raymond, một người rất thích uống trà, bình luận sau khi được tôi mời uống một ấm trà: “Trà xanh Thái nguyên rất thơm ngon, tôi chưa bao giờ được thưởng thức một hương vị trà còn rất tươi như thế. Tuyệt vời! Nhưng nếu không được bà mời uống trà thì tôi có biết đâu mà tìm, mà mua?”

 

Lời nói thật thà ấy, khiến tôi nhớ lại là Công ty trà Tân Cương - Hoàng Bình ở Thái Nguyên có xuất khẩu độc quyền trà sang Pháp với thương hiệu “Queenly”, gồm có ba loại trà xanh túi lọc với ba hương vị khác nhau, trà xanh gừng, trà xanh A-ti-sô và trà bá tước (theo hương vị của trà Earl Grey), nhưng tìm mua ở đâu ra trên đất Pháp ?!

 

Như thế thì thấy, để đưa trà đến người tiêu thụ, thì các khâu quảng bá và phân phối sản phẩm mang tính chất quyết định. Muốn đưa trà Thái Nguyên chiếm lĩnh thị trường quốc tế thì theo thiển ý của tôi có năm phương cách tiếp thị cần thiết nên làm:

 

Bán theo dạng trà thô để các công ty nhập khẩu nước ngoài chế biến lại theo yêu cầu của thị trường của họ. Bán trực tiếp tại một số quốc gia tiêu thụ trà qua hình thức cửa hàng trà đặc sản, vừa có bán trà, khách vừa thưởng lãm trà tại chỗ (salon de thé), và tham dự các hội chợ quốc tế nổi tiếng về thực phẩm, về trà. Theo dạng thành phẩm như “Queenly”, qua trung gian của các công ty nhập khẩu tại các quốc gia có thị trường tiêu thụ trà. Trong các khách sạn, nhà hàng…tại Việt Nam trong mục đích đưa trà Thái Nguyên đến tận tay du khách, những người sẽ là „chất xúc tác“ vừa tiêu thụ, vừa quảng bá giới thiệu trà ngon trong vòng ảnh hưởng của họ. Phối hợp với các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự, Lãnh Sự Việt Nam tại nước ngoài để giới thiệu và tiêu thụ trà Thái Nguyên trong các buổi tiếp tân, trong các lễ hội, trong các dịp tổ chức ăn Tết của kiều bào.