Ông Dương Văn Lợi - một trong người yêu thích sưu tầm tư liệu về chè Tân Cương, hiện trú tại tổ 16, phường Phan Đình Phùng (TP Thái Nguyên) vừa cung cấp cho chúng tôi một bức ảnh cỡ 19 x 10 cm đen trắng chụp nhãn hiệu gói chè Tân Cương mang thương hiệu chè Cánh Hạc.
Nguyên do là một lần (vào năm 2005) ông Lợi đã tình cờ phát hiện nhãn hiệu này tại một gia đình chuyên bán chè ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) và ông đã xin chụp lại. Gia chủ nhãn loại chè này không cho bản gốc bởi họ coi đó như thứ gia bảo của gia đình. Nhãn hiệu chè Cánh Hạc vẽ 2 con hạc là biểu tượng con cháu Lạc Hồng luôn nhớ về cội nguồn tạo ra sức mạnh Việt Nam - dòng chữ chua ở đây do người sưu tầm hỏi chủ nhân ý nghĩa của nhãn hiệu ghi lại được) hình vẽ in trên giấy thường màu vàng còn đầy đủ cả nhưng do lâu ngày nát mất nên thợ ảnh chỉ chụp được hình cơ bản. Như thế cũng đủ thấy được người dân Hà Nội đã ghi nhận thương hiệu chè Tân Cương trên đất Hà Thành từ trước Cách mạng năm 1945.
Theo các nhân chứng ở xã Tân Cương như các cụ: Phạm Trần Lãm, cụ Nguyễn Văn Cường, cụ Phạm Văn Thiệp, sản phẩm Chè Tân Cương trước đây đã có thương hiệu tên là Cánh Hạc.
Cũng theo các lời kể của các nhân chứng trên, xưởng sản xuất chè của cụ Đội Năm - người đầu tiên mang giống chè từ Phú Thọ về Thái Nguyên trồng nên loại chè Tân Cương thời đó khá quy mô, có đến 40- 50 nhân công thu hái, sao chế. Chè gói Tân Cương mang nhãn hiệu Cánh Hạc luôn được bày bán tại đất Hà Thành, luôn là một thức uống, một món hàng đặc sản của người Hà Nội, các tỉnh trong và ngoài nước thời đó. Hiện nay, chè Tân Cương vẫn chưa có một thương hiệu chính thống. nên chăng chúng ta nên khôi phục lại thương hiệu chè Cánh Hạc năm xưa cụ Đội Năm - ông tổ nghề làng chè Tân Cương đã sáng lập - đoạt giải Nhất cuộc đấu xảo năm 1935 để lấy lại chính tên thương hiệu chè Tân Cương?.