Người tiên phong trong làm chè an toàn

08:42, 09/06/2011

Vượt quãng đường gần 17 km từ trung tâm T.P Thái Nguyên, chúng tôi tìm về gia đình anh Phạm Văn Hiền ở làng chè truyền thống Khuôn II, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) - người tiên phong trong làm chè an toàn của xóm. Anh bộc bạch: Chế biến chè an toàn, ngoài giá trị kinh tế cao,  còn đồng nghĩa với việc cung cấp sản phẩm chè an toàn đến người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.

 

Bên đồi chè rộng khoảng gần 3.000m2 của gia đình, anh Phạm Văn Hiền nói: “Đó là tâm trí, công sức gần nửa đời người gắn bó với cây chè của vợ chồng tôi đấy”. Nói đoạn, anh mở khóa vòi nước cho hệ thống giàn tưới phun mưa tự động được thiết kế dàn đều trên đồi chè và kể về chuyện làm chè của mình với chúng tôi. Sinh ra và lớn lên tại Khuôn II, xã Phúc Trìu trong một gia đình nghèo, đông anh em nên sau khi học hết cấp 2, anh Phạm Văn Hiền không học tiếp mà ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc ruộng, vườn. Năm 1982, anh xây dựng gia đình với chị Hà Thị Hiệp, quê ở đất chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Một năm sau, vợ chồng anh ra ở riêng với phần tài sản bố mẹ cho là 1 sào chè trung du. Cho đến năm 1998, vợ chồng anh vay mượn tiền để mua đất, đầu tư trồng được trên 3.000m2 chè trung du. Mỗi năm cho thu hái 6 lứa, mỗi lứa được khoảng từ 60 đến 70kg chè búp khô, thu về khoảng 4 triệu đồng. Năm 2002, nhận thấy giống chè cành có năng suất, chất lượng cao hơn giống chè trung du, giá bán lại cao nên anh đã trồng thêm 3 sào chè cành. Cứ vậy, mỗi năm vợ chồng anh lại mở rộng thêm diện tích chè cành trên diện tích đất đồi, đất vườn tạp của gia đình và trên diện tích đất mua từ số tiền tích cóp được từ làm chè trước đó. Hiện nay, gia đình anh có tổng số 7.200m2 chè, trong đó 50% diện tích là chè cành với các giống TRI 777, Lai F1, Kim Tuyên.

 

Mặc dù thành phẩm chè của gia đình anh được nhiều tư thương biết đến nhưng do yêu cầu của thị trường về sản phẩm chè sạch, chè có phẩm cấp cao, việc chế biến thủ công truyền thống đã không thể đáp ứng nổi yêu cầu này nên giá bán ra thị trường thấp so với trước đây. Do vậy, năm 2007 anh quyết định chuyển sang sản xuất, chế biến chè an toàn. Vốn tâm huyết với cây chè nên ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn của xã, anh còn mày mò tìm hiểu qua các tài liệu, sách báo, tivi, Radio.

 

Đưa chúng tôi một vòng quanh đồi chè, anh Phạm Văn Hiền diễn giải: “Để sản xuất, chế biến chè an toàn, người làm chè chúng tôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật như: thời gian cúp chè đúng thời vụ, (vào khoảng tháng từ tháng 1 đến tháng 2), nếu cúp sớm mà chưa có mưa xuân cây chè sẽ bị khô hạn, nếu cúp muộn cây chè sẽ không có đủ sức chống đỡ với sâu bọ; hái đúng lứa, nếu hái sớm sẽ ảnh hưởng đến lứa sau, ngược lại nếu hái già chè sẽ bị ban, không cho năng suất; dùng đúng thuốc theo từng loại sâu bệnh, đảm bảo đủ thời gian cách ly quy định và dùng những loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục; trong khâu chế biến, chè phải đảm bảo hợp vệ sinh, chế biến bằng một hệ thống máy đồng bộ, đúng tiêu chuẩn ngành chè, không dùng phụ gia và hoá chất... Từ chỗ cây chè xanh tốt, cho nhiều búp, lá xanh nõn, năng suất cao nhưng khi chuyển sang làm chè an toàn không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong nhóm cấm nên cây chè thiếu chất dinh dưỡng, nhiều sâu bệnh, nhiều vùng chè bị cháy rụi đi.

 

Để cây chè nhanh chóng hồi phục, phát triển tốt, ngoài thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong làm chè an toàn, vợ chồng tôi còn tăng cường sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ được ủ từ chế phẩm sinh học để bón cho chè, đồng thời mua guột về ủ gốc giữ ẩm, giữ chất cho cây. Cùng với các biện pháp trên, gia đình tôi đầu tư một dàn tưới phun mưa hết 34 triệu đồng để lắp cho trên 3.600m2 chè nhằm tạo độ ẩm đồng đều, tăng cường dưỡng chất, vị ngon của chè… Nhờ đó sau hai lứa, cây chè dần được hồi phục, sinh trưởng và phát triển tốt”. Năm 2010, 7.200m2 chè của gia đình anh cho thu hái từ 8 đến 9 lứa, mỗi lứa được trên 2 tạ búp khô, tính trung bình đạt gần 2 tấn chè búp khô, trừ chi phí anh thu về trên 100 triệu đồng. Riêng, 3 lứa chè trong năm 2011, gia đình anh thu được 6 tạ chè búp khô, với giá bán từ 140 đến 150 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu về trên 90 triệu đồng.

 

Do có uy tín từ trước nên khi chuyển sang làm chè an toàn, sản phẩm chè của gia đình anh Hiền được các mối buôn trong và ngoài tỉnh đến tận nhà đặt hàng. Nhiều khi, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho mối buôn. Ngoài làm sản phẩm chè an toàn, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm anh làm được 30kg chè nõn “một tôm, hai lá” với giá 700.000đồng/kg và 8 kg chè loại đặc biệt với giá trên 1 triệu đồng/kg, loại chè này anh bán cho khách ở quận Thủ Đức (T.P Hồ Chí Minh). Được biết, không chỉ tiên phong trong sản xuất, chế biến chè an toàn mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, anh Phạm văn Hiền còn luôn nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm làm chè an toàn và giới thiệu sản phẩm chè an toàn của một số hộ với các tư thương đến nhà đặt hàng…

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh bộc bạch: “điều khiến tôi tâm huyết với sản xuất, chế biến chè an toàn, ngoài giá trị kinh tế cao, làm chè an toàn còn đồng nghĩa với việc cung cấp sản phẩm chè an toàn đến người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình. Tôi nhận thức rằng đây chính là con đường duy nhất và bền vững để cây chè mang lại thu nhập cao cho người nông dân… Nhất là tháng 11 tới đây, Khuôn II được T.P chọn là một trong những điểm thăm quan của khách tại Festival Trà Quốc tế, gia đình tôi cũng như  người làm chè trong xóm có cơ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè của địa phương mình được rộng rãi hơn”.