“Tôi chỉ muốn gọi những con người ở đó, những hồn cốt linh thiêng ở đó một cái tên chung là làng quê. Tôi yêu làng quê và yêu cội nguồn, muốn mình trở thành cầu nối cho những tấm lòng khác về với nguồn cội” … Đó là mong muốn chung của 2 người đàn ông đã qua tuổi “tri thiên mệnh” tôi nói đến dưới đây.
* Xin là cây cầu trong hành trình tìm về quá khứ
Tân Cương giờ đã được cả nước và thế giới nữa biết đến vì có sản phẩm chè ngon. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết vùng chè và chén trà thơm hương cốm hôm nay cũng có lịch sử và có tâm hồn. Ông Dương Văn Lợi, ở số nhà 21, Phố Đầm Xanh, phường Phan Đình Phùng (TP Thái Nguyên) là người hiểu tận vùng quê ấy.
Ông Lợi sinh năm 1942 ở xóm Hanh, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, vốn là người thích sưu tầm về lịch sử, dòng tộc, văn hóa bản địa. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ông về công tác ở Bộ Nông nghiệp, Ty Nông nghiệp và gắn bó với nông dân từ năm 1966 đến lúc về hưu ( năm 2003).
Ông trò chuyện với tôi mà như tự sự:
- Kết thúc nhiệm vụ của người làm công ăn lương, tôi dành thời gian đọc lại văn học dân gian, càng thấm thía 2 chữ làng quê chị ạ. Giờ chúng ta nói nhiều đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Nhưng tôi cứ gọi làng quê là đủ hết. Cơ cấu làng là thành bảo vệ nước, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa. “Vận nước hay dở đều từ hương thôn mà ra” (nhà nghiên cứu Phan Kế Bính). Người nông dân làm ruộng, làm chè, làm bún, đan lát… đã thành thục và đạt đến nghệ thuật. Mắt “trông trời, trông đất, trông mây” để lựa lúc bón phân, gieo hạt; bàn tay đo độ nóng, mũi ngửi mùi thơm…để biết sản phẩm chè khi nào là ngon nhất. Họ xứng đáng là nghệ nhân đấy.
Trong một lần về làm việc tại xã Tân Cương, ông Lợi được các cụ cao niên trong xã bày tỏ tâm nguyện muốn tìm về nguồn cội, bởi có người bảo đất Tân Cương có đến 300 năm tuổi và vốn dĩ là của người…Trung Quốc. Trước đó, ông Lợi có cơ duyên biết đến con cháu cụ Nghè Sổ-Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, quan án sát Thái Nguyên đầu thế kỷ 20, người chiêu hiền, chỉ dẫn, giúp đỡ lập nên làng chè được dân tôn vinh là thành hoàng làng. Lần theo những thông tin ít ỏi, những cuộc gặp gỡ vô tình may mắn, ông Lợi đã tiếp cận được với các chuyên viên cao cấp của Bộ Văn hóa -Thông tin (cũ) và làm sáng rõ hơn lịch sử vùng đất này. Để hôm nay người Tân Cương khẳng định nguồn cội cây chè, gốc gác của làng là nơi hội tụ giữa người dân từ nôi văn minh sông Hồng lên lập nghiệp cùng với dân bản địa.
Trên giá sách nhà ông Lợi, tôi thấy nhiều tư liệu quý về Tân Cương. Đơn cử như Bản hương ước do Lý trưởng soạn thảo và được nhân dân thông qua năm 1942 khẳng định Tân Cương ra đời từ năm 1922, thuộc tổng Thịnh Đán, huyện Đồng Hỷ. Đã gần 100 năm rồi, nhưng cái tên hàm nghĩa là giàu mạnh nhờ tiếp thu cái mới do cụ Nghè Sổ gửi gắm vẫn còn nguyên giá trị.
Chia tay tôi, ông Lợi tâm nguyện: Với thực tế và những gì tôi tìm hiểu được, tôi nghĩ Tân Cương có đủ điều kiện để được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa, khôi phục đình làng hoặc xây dựng nhà truyền thống, trong đó lập bàn thờ cụ Nghè Sổ, cụ Đội Năm và những người có công của địa phương; xây dựng được văn hóa ẩm thực trà ở vùng đất này để thu hút khách du lịch và quảng bá sản phẩm…
* Tôi muốn làm sống lại thương hiệu của cha ông
Khi liên lạc với ông Dương Văn Lợi để viết bài báo này, tôi bất ngờ biết một thông tin vui: Ngay sau khi báo Thái Nguyên đăng tin ông Lợi sưu tầm được một nhãn hiệu chè do xưởng chè của cụ Đội Năm (Vũ Văn Hiệt) sản xuất và đoạt Huy chương Vàng tại cuộc đấu xảo do Pháp tổ chức năm 1935 mang tên Cánh Hạc, có doanh nghiệp xin phép được sản xuất và lấy lại thương này. Doanh nhân khôn ngoan đó là ông Vũ Thành Hiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thái Nguyên.
Tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với người cả đời gắn với chè mà vẫn thèm được làm chè là ông Hiệp. Năm nay tròn 60 tuổi, ông Hiệp có 6 năm ở chiến trường, đến với nghiệp chè từ năm 1976, từng làm giám đốc 1 doanh nghiệp chè. Vui có, buồn có, thậm chí đã bỏ nghề đến 20 năm, nay run rủi thế nào ông lại về với nghiệp chè. Được ông Trương Đình Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty mời về làm giám đốc từ tháng 6-2011, ông Hiệp trăn trở tìm ra một dòng chè mới, thật ngon, thật tinh tế, hướng tới người sành chè. Ruột là chè ngon Tân Cương rồi, còn vỏ, lấy tên gì đây? Trong lúc đang căng óc suy nghĩ thì ông đọc được bài viết về chè Cánh Hạc trên báo nhà.
Ông Hiệp xúc động kể: - Tôi òa vỡ vui sướng. Chắc hẳn cụ tổ họ Vũ đã mách bảo cho phép tôi được kế tục công việc của các cụ. Được lãnh đạo Công ty đồng ý, tôi vào nhà ông Vũ Thuận, con trai của cụ Vũ Văn Hiệt (còn gọi là cụ Đội Năm – “giám đốc” xưởng chè Cánh Hạc năm xưa) để xin phép được dùng tên Cánh Hạc (Con Hạc, Bạch Hạc) cho sản phẩm mới. Lúc đầu ông Thuận cũng e ngại, sợ gia bảo của dòng họ bị ảnh hưởng, song tôi trình bày cách làm của mình và ông Thuận đã tin tưởng cho phép tôi được sử dụng nhãn hiệu đó.
- Vậy anh đã làm gì cho dòng sản phẩm quan trọng này? - Tôi hỏi:
- Cũng qua báo, tôi biết đến kiến trúc sư Trần Hải Hưng, người đoạt giải Nhất thiết kế logo Festival Trà, tôi đã đặt vấn đề và được anh Hưng đồng ý vẽ nhãn chè Cánh Hạc theo kiểu dáng công nghiệp. Tôi cũng đến nhà một số nghệ nhân nổi tiếng của Tân Cương để thỏa thuận mua chè sơ chế mang về đơn vị tinh chế. Phép cộng giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm trà đặc biệt, có hương cốm đặc trưng, vị đậm, nước đẹp và bền, đáp ứng các tiêu chí của trà ngon
- Yêu cầu cao như vậy, chắc giá bán sẽ cao
- Chúng tôi không lấy sản phẩm này làm mặt hàng kinh doanh chính. Chè Cánh Hạc sẽ mang ý nghĩa về nguồn cội, tâm linh, là cái hồn của đơn vị. Chúng tôi đang cố gắng sẽ ra mắt sản phẩm vào đúng khai mạc Festival này.
Có thể trong tỉnh mình còn nhiều người làm việc âm thầm hữu ích cho xã hội như ông Lợi, ông Hiệp. Họ là điểm nhấn tạo nên nét đặc sắc của một vùng quê, vùng chè, cũng đáng được tôn vinh.