Xa quê hương, xa Tổ quốc, mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng có nhiều cảm xúc nhớ nhung. Và chỉ khi đã đi đủ xa, đủ lâu bạn sẽ có những cảm nhận thật sâu sắc về quê hương, như hai câu thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”.
Hơn hai năm sống và học tập tại Trung Quốc, dù không phải là dân “nghiền” chè đi nữa, nhưng chỉ một chén chè Thái Nguyên thôi cũng đã đủ làm cánh lưu học sinh Việt Nam chúng tôi nao lòng nhớ quê hương.
Sinh ra và lớn lên trên đất Thái Nguyên, nên tôi rất đỗi tự hào với bè bạn về đặc sản chè Thái quê mình. Quanh ấm chè, những câu chuyện quê hương lại được tái hiện lại trong nỗi nhớ miên man nơi đất khách. Nhớ lại những ngày đầu mới sang, hơn 40 học viên là cán bộ đang công tác tại các cơ quan đến từ các tỉnh trong cả nước và các bộ, ngành theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương cùng tham gia học tập. Sau khoảnh khắc bỡ ngỡ làm quen rồi tất cả thêm xích lại gần nhau hơn bên ấm chè Thái Nguyên. Cũng từ ấm chè làm quen buổi đầu ấy mà nên tri kỷ và trở thành thói quen thường nhật sau bữa ăn sáng hay bữa cơm tối của chúng tôi. Xa bỗng thành gần, lạ rồi thành thân, người không uống chè bao giờ rồi cũng biết thưởng thức vị ngon thứ thiệt của chè Thái Nguyên.
Anh bạn Vương Đình Thái là giáo viên giảng dạy tại Trường chính trị tỉnh Đắc Nông tâm sự: Trước khi sang Trung Quốc, tôi chỉ có thói quen uống cà phê, nhưng ấm chè Thái có sức hút kỳ lạ, bây giờ tôi lại khoái uống chè hơn cà phê rồi. Cái khác của thú thưởng thức chè là ngồi được đông vui, được trò chuyện giao lưu, mà cũng không ồn ào, còn cà phê thì thường thưởng thức một mình, tĩnh lặng. Còn bạn Vũ Tiến Đức, công tác tại Sở LĐTB-XH Hải Phòng thì biết nhiều hơn về chè Thái, nên luôn tình nguyện làm “thủ” ấm. Mỗi khi pha chè, anh chỉ đun một chút nước đủ cho một ấm, rồi lại đun tiếp, để giữ nhiệt và thưởng thức vị thơm của chè. Anh kể say sưa: “Hải Phòng là đất tiêu thụ chè Thái, loại gì cũng có nào Tân Cương, Trại Cài, Quân Chu, Phấn Mễ... Có cửa hàng phân phối chè Thái giàu lên và thành địa chỉ tin cậy, có uy tín hàng chục năm nay rồi, như số 308 Nguyễn Văn Cừ, quận Ngô Quyền là nhà phân phối chỉ có duy nhất chè Thái. Tại đây loại đắt đến 1 triệu đồng/kg cũng có”. Bạn Thái Trần Quốc Bảo, công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bình Dương thì khẳng định: “Ở Bình Dương, tháng nào gia đình cũng có chè Thái Nguyên “xịn” uống, vì có tuyến xe liên tỉnh, chạy thường xuyên từ Thái Nguyên đi Bình Dương, nên gửi đặt mua là có liền”. Do đặc thù công tác, được đến nhiều địa phương, Anh bạn Bùi Ngọc Quý, công tác tại Ban Tuyên giáo TW tâm sự: “Chè Thái thứ thiệt uống đã lắm, càng uống càng nhớ, ai đã được uống vài lần loại ngon thì sau loại chè khác không muốn uống luôn. Nhưng cũng vì nổi tiếng mà đi khắp cả nước mình đâu đâu cũng có bán chè Thái Nguyên, song không phải loại nào cũng xịn, vì thế mình có hẳn số điện thoại từ đất chè Tân Cương, hàng tháng lại đặt mua, rồi gửi xe khách về tận nơi cho”.
Cũng đã vài lần chúng tôi tự tìm hiểu và khám phá, thưởng thức chè Trung Quốc, nhưng thật là khó có thể thay thế được chè Thái quê nhà, bởi đơn giản chỉ là không hợp khẩu vị. Anh bạn cùng học tên Shu Deng Bing là người Trung Quốc, ở Triết Giang - quê hương vùng chè Long Tỉnh nổi tiếng của Trung Quốc sau vài lần đưa chúng tôi đi “mục sở thị” chè Trung Quốc. Anh cho biết: “Trung Quốc có rất nhiều loại chè, và cách uống chè rất cầu kỳ, đằng sau mỗi ấm chè là cả một chuỗi những câu chuyện về triết lý sống, gắn liền với những nhân vật trong truyện cổ tích hay lịch sử... còn vị ngon của chè Trung Quốc thì tuỳ thuộc vào khẩu vị từng người. Như các ban thấy, hiện nay rất hiếm bạn trẻ ngồi uống chè trong các quán trà. Tất cả là do thói quen, tuổi trẻ thì bận rộn hơn nên họ có thể dùng các loại chè đã được chế sẵn, đóng chai, có đường hay sữa và để tủ lạnh... Mà Trung Quốc thì có hàng trăm loại chè, nếu tính cả chế phẩm từ chè thì không thể đếm hết”.
Sau những chuyến đi tìm hiểu khắp thành phố Nam Ninh, Quế Lâm, Quảng Châu, chúng tôi thấy, các quán trà nơi đây thường mở cửa sau buổi trưa và thường đến 12h đêm đóng cửa. Nhưng để thưởng thức chè cũng không phải là điều đơn giản, vì người uống phải hiểu được những giá trị văn hoá cổ kính trong mỗi câu chuyện kể từ người phục vụ bàn trà và nữa là mỗi chầu cũng hết gần 400 ngàn đồng... Câu chuyện chè ta và chè Trung Quốc lại được anh Vi Văn Trí, cán bộ Hải quan tỉnh Lạng Sơn cùng tham gia khóa học với chúng tôi cho biết: Về nguyên liệu chè thì cơ bản như nhau, chỉ khác nhau là cách pha chế, của Trung Quốc thường hay pha thêm các loại cây dược liệu, thêm hương, gia vị phụ... chính vì thế mà vẫn có hiện tượng thương lái Trung Quốc sang cửa khẩu nhập theo đường tiểu ngạch mỗi năm vài tấn chè khô của Việt Nam về làm nguyên liệu, hoặc làm chè đóng chai, đóng túi...
Có thể nói, Chè Thái Nguyên như đã đi sâu vào trong tiểm thức của người dân Việt, nói đến Thái Nguyên là nói đến đặc sản chè có một không hai. Có lẽ cái hương thơm của cốm đầu mùa quện với dư vị ngọt dịu sâu lắng đã tạo nên giá trị đặc sản - chè Thái Nguyên. Những được nghe và thấy, tôi chợt nghĩ chè Thái quê mình cũng thật xứng danh một thương hiệu mạnh tầm quốc gia và hơn thế, nhưng cái thiếu lại chính là những giá trị văn hoá tinh thần mà bắt đầu từ đời sống lao động, sinh hoạt dân gian tạo nên. Thời gian trôi đi, cứ mỗi khi có cơ hội, chúng tôi lại nhờ bạn bè mang theo qua chút chè Thái Nguyên để cùng thưởng thức. Cũng từ ấm chè Thái mà mỗi độ xuân về tôi và những người Thái Nguyên khi xa quê hương lại là nhịp cầu nối gửi chút chè đặc sản quê hương đến bạn bè khắp mọi miền đất nước.