Để có được loại chè thượng hảo hạng này các nghệ nhân phải làm rất công phu, tuân theo một quy trình kỹ thuật liên hoàn cực kỳ nghiêm ngặt.
Xưa nay nhiều người đã biết ông Đội Năm cùng một số đồng ngũ của ông, những người lính thợ Việt Nam Pháp tuyển chọn sang Pháp, phục vụ hậu cần trong quân đội Pháp. Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kết thúc, mãn hạn lính trở về nước, lên Thái Nguyên khai hóa vùng rừng núi hoang vu thành đồn điền. Lập ấp Tân Cương, mở trường dạy học, xẻ đường giao thông, tiên phong sang Phú Thọ theo sự chỉ dẫn và có phần tài trợ kinh phí của cụ Nghè Sổ, tìm chọn giống chè về trồng trên đất Tân Cương, dưới núi Guộc, dựng xưởng chè, sao xấy, chế biến thành công chè Tân Cương thơm ngon nổi tiếng. Năm 1935 mang đi thi tại đấu xảo Hà Nội đã đoạt giải Nhất.
Để có được loại chè thượng hảo hạng này các nghệ nhân phải làm rất công phu, tuân theo một quy trình kỹ thuật liên hoàn cực kỳ nghiêm ngặt. Trước hết, người ta phải chọn những thôn nữ hái chè nhanh nhẹn có đôi bàn tay khéo léo hái tuyển chọn những búp chè non đạt tiêu chuẩn “một tôm, hai lá” (nõn non trên cùng còn cuộn tròn và hai lá non kế tiếp phía dưới). Sau đó chè phải được rang ngay trên chảo gang đã được đánh rửa sạch bóng, đặt trên lò đun bằng củi khô nỏ, lửa cháy rừng rực. Khi búp chè đã được đảo chín đều, có màu xanh như rau muống non chần qua nước sôi, người ta cho chè ra vò trên bàn gỗ hoặc nong tre sạch sẽ. Qua bàn tay khéo léo của thợ vò, các búp chè non xoăn tít lại. Sau đó, lại đưa chè vào chảo rang lần thứ hai cho chè ráo đều rồi đổ chè ra vò và rắc lên phên tre đan mắt sàng (tương tựu như phên phơi bánh đa) đặt ở giàn thoáng gió và không có nắng. Nhờ sức gió các búp chè từ từ uốn cong lại nhu hình móc câu. Đến đây, người ta đưa chè vào sấy trên trảo tôn uốn hình chữ U đáy hồng than củi, trên miệng chảo lắp một trục quay có gắn 4 cánh bằng lưới thép nhỏ để quay chảo nhẹ chè cho khô. Khi chè đã khô kiệt, ta đổ chè ra khỏi chảo tôn để lấy hương trên chảo đồng được đúc bằng một loại đồng đặc biệt không bị oxy hóa. Loại chảo này có khối lượng và thể tích lớn hơn chảo gang, đáy bằng, miệng rộng. Với bàn tay điệu nghệ của mình, người thợ nhẹ nhàng xoa chè trên chảo vừa đủ nhiệt than hồng để chè lên hương và dậy mốc xanh mà cánh chè không hề bị gãy. Cuối cùng, ta có được một loại chè như mong muốn: mốc xanh, hương cốm, xoăn hình móc câu. Từ đây, chè móc câu Tân Cương thứ thiệt ra đời đóng gói trong giấy in nhãn hiệu: “nước xanh, cánh nhỏ, chè con hạc” bay ra thị trường trong nước và thế giới xưa nay và mai sau. Giờ đây, Tân Cương không còn sao chế chè thủ công như ngày xưa nữa, người ta dùng điện để điều khiển các thiết bị chuyên dùng máy vò, lò quay… để cho ra lò chè khô đặc sản Tân Cương. Tuy hình thức có phần đôi chút khác xưa. Riêng chất lượng vĩnh hằng không đổi.
Chiều quang thấm thoắt thoi đưa non ba vạn sáu ngàn ngày, bất chấp mọi biến thiên lịch sử, nước non binh hỏa, thăng trầm, qua không gian và xuyên suốt thời gian, làng nghề chè truyền thống: “Tân Cương đệ nhất danh trà” không nơi nào sánh nổi trong cõi người ta đã, đang và sẽ trường tồn vĩnh cửu với hương vị chè Tân Cương độc nhất vô song muôn thủa mãi lưu truyền tích tụ, thăng hoa.