Phú Lương tích cực chuẩn bị cho Festival Trà

07:57, 11/08/2011

Nếu như nhìn ở khía cạnh làng nghề về chè thì Phú Lương là huyện có số làng nghề nhiều nhất tỉnh, đến nay huyện có 18 làng nghề sản xuất, chế biến chè.

Về tổng diện tích chè thì Phú Lương là huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh với gần 4.500ha, tập trung chủ yếu chủ yếu ở các xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Sơn Cẩm, Phú Đô… Trong đó, diện tích chè kinh doanh chiếm 4.300ha. Hằng năm bà con trong huyện sản xuất được trên 30 nghìn tấn chè búp cung cấp cho thị trường cả nước.

 

Cây chè đã xuất hiện trên đất Phú Lương từ rất lâu, song chỉ từ năm 1990 bà con trong huyện mới chú trọng đến việc phát triển cây chè và đến năm 2000 khi huyện xây dựng Đề án Nâng cao sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè thì cây chè ở đây mới thực sự phát triển mạnh mẽ và trở thành cây trồng mũi nhọn ở địa phương. Từ năm 2000 đến năm 2005, toàn huyện đã trồng mới được gần 700ha chè, đồng thời cải tạo gần 1.300ha chè già cỗi. Đây là những diện tích do trước đây người làm chè chưa thực sự chú trọng tới kỹ thuật chăm sóc dẫn tới chè xuống cấp nghiêm trọng, năng suất chỉ đạt khoảng 30 tạ/ha, nhưng sau khi được tập huấn và áp dụng các biện pháp cải tạo diện tích này đã nhanh chóng phục hồi và cho năng suất trên 50 tạ/ha.

 

Tiếp tục thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2006 đến năm 2010, huyện đã trồng mới 200ha chè và phục hồi 200ha nữa, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên gần 450ha. Đặc biệt, ở giai đoạn này, cùng với việc tiếp tục thâm canh sản xuất diện tích chè trung du, huyện đã tập trung rà soát, từng bước quy hoạch phát triển vùng sản xuất chè cao cấp ở các xã: Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc với các giống chè chất lượng cao như: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Ô Long Thanh Tâm, Keo Am Tích, PT95. Đối với các xã khác, bà con tích cực đưa các giống chè cành mới như: LFP1, LDP2, TRI777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… vào sản xuất. Chính vì vậy, năng suất và chất lượng chè của huyện đã được nâng lên đáng kể. Hiện nay, năng suất chè bình quân của huyện đạt 86tạ/ha.

 

Bởi là một trong những vùng trọng điểm về chè nên Phú Lương cũng được lựa chọn là một điểm tham quan của du khách và được chuẩn bị các sản vật của địa phương tham gia trưng bày tại Festival Trà sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Nhận thức rõ, đây là cơ hội tốt để Phú Lương quảng bá hình ảnh cũng như các sản vật của địa phương và đặc biệt là sản phẩm chè của mình, nên huyện đã và đang có nhiều hoạt động chuẩn bị cho Festival. Một trong những hoạt động nổi bật nhất là hiện nay là huyện đang tập trung làm mới, sửa chữa, nâng cấp 2 tuyến đường: Giang Tiên - Phú Đô - Núi Phấn và Tức Tranh - Yên Lạc - Yên Đổ với tổng chiều dài cả 2 tuyến là gần 40km, tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng. Đây là 2 tuyến đường thuộc vùng chè, đi qua nhiều làng nghề chè của huyện như: Yên Thủy, Phú Nam, Khe Cốc, Gốc Gạo… Dự kiến cả 2 tuyến đường sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9 để kịp đón Festival.

 

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội chợ thương mại. Hội chợ bao gồm 15 gian hàng, trưng bày các sản phẩm thế mạnh của huyện như: nhím, rắn, nấm, gạo… và đặc biệt là có tới gần 10 gian trưng bày các sản phẩm chè. Mục đích của việc tổ chức Hội chợ lần này là để tập dượt việc trưng bày, tác phong của người làm công tác trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, văn hóa, giao tiếp tại hội chợ, đồng thời lựa chọn ra những gian hàng đẹp và mang tính đặc trưng của địa phương trưng bày tại Festival.

 

Ngoài ra, nhận thức rõ tầm quan trọng của Festival Trà lần này, nên ngay từ bây giờ bà con vùng chè đã có ý thức chỉnh trang các nương chè của gia đình mình cho đẹp mắt mong được đón khách tham quan. Dưới cái nắng vàng óng của ngày cuối hạ, những nương chè thuộc xóm Bãi Bằng, xã Tức Tranh vẫn xanh non, búp đâm tua tủa khẽ lay động theo từng làn gió, hương thơm của chè cuộn trong gió tỏa vào không gian thơm dịu khiến chúng tôi cảm thấy tinh thần thư thái, bao mệt nhọc tan biến. Ông Nguyễn Văn Kiều, Trưởng xóm Bãi Bằng giới thiệu: Bãi Bằng là một trong 5 làng nghề chè thuộc cụm Khe Cốc là: Bãi Bằng, Tân Thái, Khe Cốc, Đập Tràn, Minh Hợp. Đây là một trong những nơi có sản phẩm chè được đánh giá là ngon nhất huyện bởi chất đất và nguồn nước ở đây rất hợp với cây chè. Cụm Khe Cốc có tổng số trên 242ha chè với trên 150 hộ làm nghề sản xuất, chế biến. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên chè của địa phương bán với giá không cao, khoảng 60 nghìn đồng/kg búp khô, vì vậy đời sống của người trồng chè vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2010, tổng doanh thu của cụm từ chè là trên 5,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt khoảng 18 triệu đồng/lao động/năm. Bà con địa phương đang rất kỳ vọng vào Festival Trà, hy vọng qua đây có thể cho bạn bè cả nước và quốc tế biết đến sản phẩm chè của mình, chính vì vậy ngay từ đầu tháng 8, nhân dân đã tích cực chỉnh trang lại các nương chè, vun xới các luống chè, tạo lô, thửa cho chè, đồng thời tăng cường chăm bón để chè lên búp đều.

 

Kỳ vọng của bà con Khe Cốc cũng là mong muốn chung của người làm chè toàn huyện, nên thời điểm này bà con các vùng chè, đặc biệt là các làng nghề chè đã ý thức rất rõ việc chuẩn bị các công việc để đón Festival, tạo ra sản phẩm chè ngon để du khách thưởng thức với ước vọng những hoạt động tham gia Festival và sản phẩm chè của huyện sẽ ghi được dấu ấn tại Festival, tạo chỗ đứng trong lòng du khách.