Đối với người Việt Nam, thú uống trà đã có từ xa xưa và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chén trà Việt đã trở thành loại thức uống không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Nhưng huyền thoại về Trà thì có lẽ ít người biết đến. Sau đây xin giới thiệu đến bạn đọc huyền thoại về Trà.
Huyền sử Trung Hoa có kể chuyện vua Thần Nông thời Thượng cổ, một hôm ngồi hóng mát ở hiên cung, bỗng có gió thổi rơi vào tách nước nóng ông đang uống một số lá cây. Vua thấy nước có mùi thơm hợp khẩu vị nên truyền lịnh cho dân trồng nhiều cây này để chế nước uống gọi là trà.
Thư liệu Trung Hoa cũng có kể chuyện về trà trảm mã. Số là vua Tần Thủy Hoàng kéo quân đánh với quân một nước láng giềng. Nhưng quân đối phương do tướng Sát Cáp Nhĩ có một con tuấn mã cực kỳ dũng mãnh gây nhiều tổn thất cho quân Tần. Vua Tần Thủy Hoàng sai Lâm Phi, một ái phi sũng ái của ông, cải trang làm cô gái bán cỏ ngựa cho ngựa Sát Cáp Nhĩ ăn, đồng thời làm mỹ nhân kế làm Sát Cáp Nhĩ mê mệt. Lâm Phi bày chuyện uống trà trảm mã. Chiều ý người đẹp, từ lúc sáng tinh mơ Sát Cáp Nhĩ cho tuấn mã lên núi cao Ma Vương Các, ăn đọt trà non còn ướt đậm hơi sương rồi cho ngựa phi về lúc mặt trời vừa lên. Đợi cho trà thấm vào bao tử ngựa rồi giết ngựa, moi trà ra ướp mật sấy khô làm trà uống vào sẽ sống lâu. Vì Sát Cáp Nhĩ muốn có trà ngon phục vụ người đẹp mà ngựa của Sát Cáp Nhĩ phải chết. Thiếu tuấn mã dũng mãnh, Sát Cáp nhĩ đành bỏ mạng ở sa trường.
Huyền thoại Ấn Độ có nói về nguồn gốc của cây trà. Truyền rằng: Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidarma) vào thời gian cuối đời, quyết tâm không ngủ để thiền và tu luyện khổ hạnh. Nhưng ông lại cứ hay buồn ngủ, đã thế khi ngủ lại nằm mơ thấy được nhiều cô gái trẻ đẹp quấn quýt nuông chiều... Tỉnh giấc, Bồ Đề Đạt Ma giận mình không được tự chủ, bèn cầm kéo cắt hai mí mắt vất xuống đất. Hôm sau tại đó mọc lên hai cây có tàng lá xum xuê. Ngắt lá hãm trong nước sôi thì có được một chất nước uống làm hết buồn ngủ và tâm hồn thêm phần tỉnh táo. Người Ấn Độ xem đó là nguồn gốc cây trà.
Nhật Bản cũng có truyện tích về việc uống trà. Vào thế kỷ 13, một danh tướng Nhật bị lâm bệnh nặng về tiêu hóa. Nhiều thầy thuốc được mời đến chữa, nhưng bệnh vẫn không lành. May được một thiền sư đến xem mạch, kê toa và khuyên nên đặc biệt uống trà. Sau vài lần uống những tách trà đậm đặc, Minamoto Sanetomo được bình phục. Từ đó dân Nhật có tập tục uống trà.
Cách pha trà của người Nhật Bản
Tại Nga: Truyền thống uống trà gắn liền với ấm Samovar. Đây là loại bình lớn được thiết kế rất đẹp đẽ, chứa hơn một lít nước sôi ở độ cao. Tại Nga, thời tiết lạnh lẽo gần như quanh năm suốt tháng, nên uống trà nóng gần như là một nhu cầu cấn thiết vì với người Nga thì Trà có tác dụng giữ ấm cơ thể, nhất là tim. Bởi vậy trong mọi nhà tại Nga, hầu như trong chiếc bình đặc biệt Samovar luôn đầy nước trà nóng và những hộp đường viên, mọi người lúc đó quây quần bên ấm trà nóng, để những viên đường vào giữa hàm răng và thong thả nhấm nháp từng ngụm trà thơm ngát, nóng hổi, trong khi bên ngoài giá lạnh mưa rơi trùng trùng.
Tại Morocco, Châu Phi: Theo quan niệm, trà ở đây có tác dụng cầm chân khách trong các dịp có cơ hội gần gũi hay quây quần bên nhau. Hầu như người Morocco thường uống một loại trà xanh thượng thặng và theo tập quán thì người con trai trong gia đình phụ trách việc pha chế trà, ngoại trừ có trường hợp đặc biệt, vợ của chủ nhà vì tình thân của bè bạn, trực tiếp mời chồng mình tự tay pha tra đãi khách. Thường thì phải có hai bình trà sẵn sàng. Pha trà bằng ba loại nước với độ sôi khác nhau và được rót trong những chén nhỏ xinh xắn, đặt trên chiếc khay bằng kim loại có chạm khắc nhiều hình ảnh rất đẹp. Theo nghi thức, Trà được châm đến tuần thứ ba thì chấm dứt buổi tiệc.
Tại Việt Nam: Câu hỏi người Việt Nam biết uống trà từ thời nào? Thật khó mà trả lời chính xác. Nhưng ngày nay, ít nhất ngành khảo cổ cũng giúp cho người đời nay biết rằng trong các cuộc khám quật tại di chỉ Nông Giang tại Thanh Hóa, trong nhiều đồ tuẫn táng có tìm thấy được nhiều chén trà, dĩa trà có thời gian tính ngang với các đời Tống, Minh bên Trung Hoa. Như thế chứng tỏ người Việt Nam thời xưa đã biết uống trà khá lâu trước thời Tống.
Sách An Nam Chí Lược từng ghi rằng: “Vào tháng Năm, năm thứ Tám niên hiệu Khai Bảo Đinh Liên có tiến cống vua nhà Tống trà thơm”.
Tất nhiên trà tiến công phải là trà khô. Việc này chứng tỏ rằng từ thời xa xưa trước đó, người Việt Nam đạt được kỹ thuật cao trong việc chế biến sao cho trà có hương thơm (chậm nhất cũng khoảng thời Tống). Tất cả những sự kiện này chứng tỏ rằng tập tục uống trà của người Việt Nam không hề bắt nguồn từ văn hóa Hán.
Người Việt Nam khắp nước đều uống trà tuy rằng với nhiều phương cách khác nhau. Tuy vậy cách nào cũng đều đem lại cho người uống những khoái vị đặc thù của nó.
“Khách đến nhà không trà thì bánh”. Bình trà nóng dùng đãi khách không thể thiếu trong mọi việc tiếp tân hay lễ hội. Tách trà nóng tỏa hương thơm ngát đều được mọi người ưa thích. Nhất là biết trà có tác dụng thông lợi ngũ tạng, giải nhiệt hạ đàm, tăng lưu thông máu, giảm nguy cơ hoặc ngừa trị được một số bệnh và kéo dài được tuổi thọ. Lợi ích mà trà đem lại cho con người thật quá nhiều. Vì vậy mà người xưa có câu:
Bình minh sở trảm trà,
Mỗi nhật cứ như thế,
Lương y bất đáo gia.
dịch:
Sáng sớm vài chén trà,
Ngày nào cũng như thế,
Thầy thuốc không bao giờ tới nhà.