Trăn trở từ một vùng chè

09:33, 19/09/2011

Vùng chè Bình Định của xã Bình Sơn (T.X Sông Công) là nơi ghi dấu quá trình hình thành và phát triển cây chè ở Thái Nguyên gắn liền với vùng chè Tân Cương nổi tiếng…

Tuy chất lượng chè được đánh giá là ngon không kém chè Tân Cương, nhưng nghề làm chè ở đây đang bị xao lãng, cây chè đang có nguy cơ mai một.

 

Bình Định với cây chè Tân Cương

 

Xã Bình Sơn có trên 200ha chè, nằm rải rác ở 25 xóm. Xã có vùng chuyên canh chè là vùng chè Bình Định gồm diện tích 3 xóm Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bình Sơn, 3 xóm này trước đây là làng Bình Định thuộc xã Tân Cương. Năm 1953, xóm Bình Định cùng với địa dư xã Bá Sơn cũ được sáp nhập thành xã Bình Sơn ngày nay.

 

Ông Vũ Thuận là người gắn bó lâu đời nhất với vùng chè Bình Định cho biết, bố ông là Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt), người có công đưa cây chè về đất Tân Cương và cũng chính là người đưa cây chè từ Tân Cương sang Bình Định trồng, khai phá nên mảnh đất Bình Định này. Theo ông Thuận, vào khoảng những năm 1940, vùng Tân Cương phát triển mạnh mẽ, người dân đông đúc, cụ Vũ Văn Hiệt đã cùng với một số người có uy tín ở Tân Cương khảo sát thổ nhưỡng, rồi xin chính quyền cho mở rộng đất đai sang vùng đất tiềm năng ở hữu ngạn sông Công, tiếp giáp với Tân Cương. Cụ Hiệt đã mời một số người có kinh nghiệm trồng chè Tân Cương làm nòng cốt khai phá và đưa cây chè Tân Cương về trồng tại đây. Nhiều người dân thấy vùng đất tiềm năng đã từ Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… di cư lên đây trồng chè, lập nghiệp. Năm 1942, làng mới chính thức được thành lập lấy tên ghép của hai tỉnh Thái Bình, Nam Định thành làng Bình Định. Từ đây, Bình Định cùng với Tân Cương đã đưa cây chè phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường.

 

Hiện nay, vùng chè Bình Định có gần 20ha đất trồng chè và khoảng 200 hộ với gần 800 nhân khẩu. Mặc dù diện tích không lớn nhưng chè ở đây được đánh giá là có chất lượng cao nhất xã. Trước kia, người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ cây chè. Giống như chè Tân Cương, chè ở đây có nước xanh, vị đượm và ngọt hậu. Gia đình anh Lê Văn Hoàn ở xóm Bình Định 1 có gần 4 nghìn m2 trồng chè. Chịu khó vận dụng các biện pháp kỹ thuật cao chăm sóc chè và có kỹ thuật sao chè nên sản phẩm chè của gia đình anh cho năng suất cao và chất lượng cũng được đánh giá là cao nhất vùng. Mỗi kg chè nhà anh xuất bán buôn cho tư thương cũng đạt trên 120 nghìn đồng. Mỗi vụ, gia đình anh Hoàn thu về 1,4 tạ chè khô cho thu nhập tới 17 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình anh còn thu lãi gần 10 triệu đồng mỗi vụ.

 

Trăn trở vùng chè

 

Nhưng điều đáng tiếc là gia đình anh Hoàn chỉ là trường hợp hiếm hoi trong những người trồng chè ở Bình Định còn chú trọng đầu tư vào cây chè. Theo con số chúng tôi nắm được, có tới 40% số lao động làm chè của vùng chè này đã bỏ đi làm thuê tại các đô thị và vùng lân cận, 10% số hộ dân đã bỏ hẳn nghề trồng chè. Số còn lại, hầu hết những người chuyên tâm trồng và chăm sóc chè lại là những lao động cao tuổi hoặc sức khỏe yếu. Chính vì vậy, năng suất cây chè ở Bình Định đạt thấp, chất lượng cũng suy giảm phần nào.

 

Xảy ra tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Thắng trưởng xóm Bình Định 1 là do giá tiêu thụ chè thành phẩm trên thị trường thấp. Trung bình hiện nay, mỗi kg chè Bình Định cũng chỉ bán được với giá từ 60 đến 70 nghìn đồng, tương đương với giá chè các vùng khác ở Sông Công và chỉ bằng một nửa so với vùng chè Tân Cương. Trong khi đó, chất lượng chè Bình Định thì lại được đánh giá cao hơn. Giá thu mua thấp khiến người nông dân không mặn mà đầu tư vào cây chè mà chuyển sang đi làm thuê để nâng cao thu nhập trước mắt. Hiện tại, hầu hết diện tích chè ở Bình Định đều rất ít được chăm bón, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năng suất trung bình của chè cũng vì thế mà đạt thấp, chỉ gần 10 kg chè khô/sào. Trong khi đó ở vùng chè Tân Cương, trung bình mỗi sào đạt năng suất gấp gần 2 lần như thế. Ngay như anh Lê Văn Hoàn, người trồng chè tốt nhất vùng cũng phải ngậm ngùi, mang tiếng chè có giá trị cao nhất vùng nhưng vì giá thấp, tính ra cũng chỉ lấy công làm lãi thôi.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, một số hộ làm chè ở nơi khác đã mua chè tươi của người dân Bình Định để đem về chế biến và bán ra thị trường với thương hiệu Tân Cương. Còn ông Vũ Thuận cho rằng, chất lượng chè ở Bình Định so với mặt bằng chung hầu hết các khu vực trong chỉ dẫn địa lý Tân Cương thì không hề thua kém và thậm chí còn cao hơn một số vùng. Vì vậy theo ông Thuận, để vùng chè Bình Định phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì cần phải đưa vùng chè Bình Định nằm trong chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho chè Tân Cương Thái Nguyên.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng bộ xã Bình Sơn cho biết, năm 2006, UBND tỉnh đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho chè Tân Cương Thái Nguyên bao gồm vùng địa danh tương ứng với 3 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu và Tân Cương. Nằm ngoài chỉ dẫn địa lý trên nhưng vùng chè Bình Định, xã Bình Sơn gắn liền với chè Tân Cương cả về nguồn gốc, chất lượng. Đồng thời, vùng chè Bình Định có chung vùng khí hậu, địa hình cũng có nhiều điểm tương đồng với Tân Cương. Chính vì vậy, đồng chí Dương Hồng Vượng cho rằng, nếu được nằm trong vùng chè Tân Cương, chắc chắn người dân Bình Định sẽ có cơ hội phát triển cây chè và xây dựng thành vùng chè đặc sản, góp phần phát huy và xây dựng thương hiệu chè Tân Cương ngày một vững mạnh.

 

Thiết nghĩ, đây là những đề xuất hết sức xác đáng và có căn cứ. Mong các cơ quan hữu quan xem xét bởi việc làm này không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển một vùng chè mà còn thể hiện sự tri ân đối với ông Đội Năm (Vũ Văn Hiệt) người đã có công đưa cây chè về Tân Cương, khai phá vùng đất Bình Định và đặt nền móng cho thương hiệu chè Tân Cương ngày nay.