Người yêu trà luôn thuộc lòng câu “Nhất thuỷ, nhì trà, tam pha, tứ ấm”.
Thứ nhất là nước pha trà
Nước pha trà là người bạn đầu tiên hoà quyện với trà, gọi là “trà hữu”.
Trà thần Lục Vũ có nói trong Trà Kinh, đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho trà nhân cả ngàn năm nay: “Sơn thủy thượng, giang thủy trung, tỉnh thủy hạ” (Nhất nước suối, nhì nước sông, ba là nước giếng).
Nhiều người cầu kỳ, còn đi thu gom những hạt sương đọng trên tàu lá sen, nó được coi là thứ nước đặc biệt, tinh khiết mà lại có sẵn mùi thơm của sen. Nếu là nước máy thì phải để một số ngày cho bay hết mùi hoá chất. Nước để pha trà phải đun sôi kỹ. Có nhà xếp một hàng chum sành, dăm bảy chiếc quanh gốc cau hứng nước mưa dùng dần.
Nhưng bây giờ kiếm đâu ra nước suối, nước sông trong sạch . Không khí ô nhiễm nên nước mưa hay nước sương hứng cũng khó đảm bảo độ tinh khiết, nước máy thì lại càng khó.
Vậy nên dùng nước tinh khiết đóng trong bình có lẽ là cách tốt nhất.
Thứ nhì là loại trà ngon.
Nói về trà ngon thì có vô vàn ý tứ. Có câu "Chè Thái, gái Tuyên" là muốn chỉ loại chè có nguồn gốc Thái Nguyên ngon hơn mọi loại trà từ những vùng khác.
Ai yêu trà mà không biết trà Tân Cương là đặc sản của vùng Thái Nguyên này.
Nếu đã từng uống loại trà thượng hạng - trà một lá chỉ gồm một búp non và một lá nhỏ của Tân Cương, bạn mới biết trà Tân Cương ngon đến mức nào.
Chè Tân Cương Từng búp xoăn xoăn nhỏ xinh đều tăm tắp. Hương trà dâng lên bao kín mọi giác quan, chỉ ngửi thôi cũng thấy ngọt.
Nước trà pha ra màu xanh trong sáng. Sau mấy tuần nước mà vẫn thấy vị thơm ngào ngạt. Vị nào muốn xem kỹ có thể đổ bã ra xem sẽ chỉ thấy một búp và một lá nhỏ xinh mềm mại xanh ngắt.
Thứ ba là cách pha
Rót nước sôi tráng ấm cho kỹ, tưới đều nước sôi lên những chiếc chuyên quân. Tráng ấm xong cho trà vào, rót nước sôi để chừng vài phút, đoạn chắt hết nước trong ấm ra chuyên. Phải rót hết, muốn uống nữa, rót tiếp nước sôi vào ấm. Sở dĩ làm vậy là để trà khỏi chín nhừ không mất đi hương vị, lại tránh bị nồng. Tất cả mọi động tác của người pha trà thuần thục, nhẹ nhàng, chính xác, theo một chu trình định sẵn như một nghi lễ vậy.
Thứ tư là Ấm pha trà
Đây là yếu tố cuối cùng trong công đoạn pha trà. Có rất nhiều loại ấm, thế nhưng đối với những người "sành" trong việc uống trà thì thứ nhất là ấm Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, và thứ ba là Mạnh Thân. Đặc biệt hơn nữa người ta còn có những quy định về màu sắc cho ấm pha trà, muốn thưởng thức trà thật ngon thì màu ấm phải là màu gan trâu, gan gà, chu sa trong số đó mầu chu sa là màu quý nhất. Về hình dáng ấm pha trà có những kiểu chính là: Trái lê, Trái cau, Trái hồng, Bánh xe (quý), Tang trống (quý). Tuỳ từng trường hợp và số lượng người cùng "thưởng trà" người ta còn chia ra 4 loại ấm được đặt tên khác nhau: Ngưu ẩm, Quần ẩm, Song ẩm và Độc ẩm.
Quan niệm uống trà của người xưa, ngoài ý nghĩa thưởng lãm nó còn mang một ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa tâm linh, đó là tinh thần trọng Chân, trọng Thực, trọng cái hay cái Đẹp. Nó thể hiện tâm hồn, tình cảm và nhân cách của con người Việt Nam chúng ta. Chính vì thế uống trà và thưởng thức trà đối với người Việt Nam đã trở thành một nghệ thuật, không chỉ là một thú ẩm thực nữa việc uống trà còn là một nét vǎn hoá rất riêng, rất đẹp trong nền văn hoá Việt Nam.