Nằm ở chân núi Tam Đảo, xã La Bằng (Đại Từ) có hơn 300ha đất trồng chè, trong đó có hơn 200ha chè đang cho thu hái, với năng suất đạt 93 tạ/ha, sản lượng trung bình hằng năm đạt gần 1.900 tấn búp tươi, tương đương với gần 400 tấn sản phẩm chè khô. Mỗi năm, cây chè cho gần 900 hộ nông dân của 10 xóm ở xã nguồn thu nhập hơn 55 tỷ đồng.
Trung tuần tháng Mười, thời gian gần đến ngày diễn ra Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, Thái Nguyên - Việt Nam 2011 như hối thúc vào đời sống của người dân xã La Bằng. Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Lương Văn Minh phấn khởi cho biết: Xã La Bằng có 10 xóm, thì cả 10 xóm được tỉnh công nhận là làng nghề sản xuất, chế biến chè. Trong Liên hoan Trà sắp tới, được tỉnh chọn làm một điểm đến trong tuor du lịch, vui đấy mà cũng bận rộn nhiều hơn. Trong suốt thời gian diễn ra Liên hoan, 10 xóm trong xã đều sẽ có biển quảng bá thương hiệu chè, có quầy bán chè phục vụ du khách. Đặc biệt là nhân dân xóm Tiến Thành và xóm Kẹm đang vận động nhau cùng phát tuyến, dọn cỏ, chăm sóc cho vườn chè trở nên đẹp hơn để đón khách tham quan.
Đi dọc qua các xóm, chỗ nào chúng tôi cũng thấy thoảng thơm vị chè mới lên hương. Ông Vũ Ngọc Vĩnh, xóm Đồng Tiến cho biết: Đây sẽ là lần đầu tiên người dân trong xã được đón tiếp khách trong cả nước, khách quốc tế đến tham quan, vì thế gia đình cũng chuẩn bị những ấm chè ngon nhất để đãi đằng thiên hạ và bán cho người có nhu cầu mua làm quà… Khi vào thăm ngôi nhà khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc (xóm Đồng Tiến), chúng tôi gặp ở đây các bà Lâm Thị Vân, Lương Thịhà và một số bà con trong tổ hợp tác chè an toàn La Bằng. Bà Vân cho biết: Hôm nay, chị em trong tổ hợp tác tập trung lên hương chè. Bà giải thích thêm: Lên hương là công đoạn cuối cùng của quá trình sao, sấy chè. Công đoạn này không đòi hỏi độ nhiệt cao, song quan trọng là phải biết lượng nhiệt như thế nào cho vừa, khi thấy chè mốc trắng, có mùi thơm nếp cốm là được…
Bên nương chè ở xóm Lau Sau, một nông dân đã nói với chúng tôi: Người dân La Bằng làm chè không chạy theo số lượng, không vì lợi nhuận trước mắt, cũng không quảng cáo rầm rộ. Chè làm ngon, người dùng trà khắp nơi khắc tìm đến…
Nhâm nhi chèn trà sóng sánh xanh, ông Minh cho chúng tôi biết: Trên khu đất thuộc đèo Khế, núi Điệng của xã hiện còn có những bãi chè cổ thụ, nhiều cây có đường kính tới 50cm. Mới đây, người dân trong xã còn phát hiện trên đó có những bãi chè ra búp đỏ,hái vềhãm nước uống rất ngon…
Chợ chè La Bằng họp 12 phiên/tháng, trung bình mỗi phiên chợ có từ 7 đến 10 xe ô tô tải về nhập chè. Ngoài chè La Bằng còn có chè từ các xã lân cận mang sang bán, gọi chung là chè La Bằng. Ông Đỗ Xuân Thìn, Trưởng xóm Kẹm bảo: Người đi buôn chè rất rành, chỉ cần nhìn màu, ngửi hương là họ biết đâu là chè La Bằng. Còn ông Trần Trọng Bình, ở xóm Đồng Đình, người được trao tặng danh hiệu “Đôi bàn tay vàng” và 2 lần đoạt giải nhất Hội thi chất lượng chè của tỉnh cho biết: Chè La Bằng mới tạo được thương hiệu từ gần 5 năm nay. Thương hiệu là do mọi người làm chè trong xã cùng quyết tâm tạo dựng, như không sử dụng các loại hóa chất độchại phun cho chè, khi thuhái, chế biến phải để chè vào các tấm nong, nia chứ không đổ bừa bãi ra nền nhà… Còn chè ngon, tất nhiên còn phụ thuộc vào đôi bàn tay của mỗi người sao, sấy.
Chạng vạng chiều, trên các trục đường về ngõ xóm, chúng tôi gặp những nông dân tất bật với gánh chè nặng vai. Ngay sau bữa cơm chiều, bếp lò lên lửa, máy sao, máy vò chè lặp lại từng vòng quay, đều đặn như chiếc kim đồng hồ, để từ đây, chè lặng lẽ tỏa hương, hiến dâng cho đời những gì tinh túy nhất.