Một chén trà nâng mời bạn bè, một chén trà trò chuyện tâm giao, thú uống trà đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân Việt Nam cũng như của nhiều dân tộc trên thế giới.
Tuy nhiên, tuỳ theo nếp sống, văn hoá của từng dân tộc mà người ta thưởng thức trà với nhiều phong cách và phương thức khác nhau. Trong chén trà mở đầu câu chuyện chung ấy, với riêng Huế, uống trà là một nghệ thuật với bao sự sắp đặt công phu và cả những nghi thức của một vùng văn hoá .
Trước hết, uống trà theo kiểu cung đình Huế thì phải có một bộ đồ trà đúng kiểu. Không phải chỉ có một bộ đồ trà dùng cho suốt cả 4 mùa mà kiểu cách uống trà của Huế còn thể hiện ở chỗ có bốn loại chén trà dành cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Người Huế uống trà theo mùa còn gọi là thời trà. Trong bộ đồ trà ấy, những chén tống, chén quân, dầm, bàn ... đều có những qui định riêng, chức năng riêng. Người Huế uống trà như là một hình thức lễ nghi, dẫu uống một người ( còn gọi độc ẩm ), hai người ( còn gọi đối ẩm ), ba người, bốn người hay nhiều người ( còn gọi quần ẩm) thì mọi thao tác vẫn được giữ nguyên, kể cả những cung cách pha trà, rót trà, nâng ly trà.
Về nguyên liệu chỉ có hai loại đó là trà và nước. Nhưng chỉ riêng hai nguyên liệu này cũng đã có hàng ngàn trang viết. Sự cầu kỳ, công phu ở đây không bút mực nào tả xiết, từ việc hái chè xanh ở hướng nào, giờ nào, cách ngắt ngọn ra sao, người thiếu nữ hái chè để móng tay dài bao nhiêu, cho đến việc ngâm tẩm, phơi, sao khô là cả những qui trình nghiêm ngặt. Cho nên mới có những câu chuyện về Trảm mã trà ( Trà ngựa ), Hầu trà ( Trà khỉ), Trùng điệp trà ( trà sâu), Tiên knhai trà ( Trà tiên) ...
Nước để pha trà cũng có những câu chuyện dài, nước mưa hứng từ đâu , nước giếng thì giếng phải sâu như thế nào, nước suối thì lấy ở đoạn nào: đầu nguồn, giữa nguồn hay cuối nguồn... Sự công phu ấy cho thấy trà không đơn thuần là một thức uống mà người ta đã lồng vào đó bao công sức và tâm huyết để nâng lên thành một nghệ thuật .
Ở Huế còn lưu truyền câu chuyện hứng sương trên lá sen để lấy nước pha trà , còn trà thì được bọc trong hoa sen để có hương thơm tự nhiên. Đun nước để pha trà cũng là một nghệ thuật . Để có một bình trà ngon, nước đun sôi chỉ ở dạng sủi tăm, nước sôi già quá sẽ làm trà nhanh chín, hương thơm không còn. Tinh tế đến như thế thì người uống trà cũng phải có một tâm hồn nhẹ nhàng , luôn hướng đến những vẻ đẹp của đất trời, của con người thì mới thẩm thấu hết hương vị của chén trà.
Cũng như nhiều quốc gia uống trà khác trên thế giới, thú uống trà của người Huế có xuất phát từ cung đình. Từ cung đình ra dân gian, tính chất nghi lễ và sang trọng giảm dần nhưng cái hồn của thú thưởng thức trà vẫn được giữ nguyên, bạn bè uống cùng nhau chén trà để tăng thêm tình thân thiết. Dẫu không uống tại lầu son, gác tía như các bậc vua chúa, quan quyền nhưng trong không gian đơn sơ, dân dã, chén trà vẫn được chủ nhân nâng hai tay mời bạn, khách và chủ đều tôn trọng nhau, chén trà vì thế vẫn nặng tình, nặng nghĩa.
Trong thú uống trà của người Huế, có một điều đặc biệt là luôn đi kèm với một loại bánh đặc sản của Huế đó là các loại bánh in làm bằng hạt sen, đậu xanh, hoặc bằng bột nếp được gói bằng giấy màu ngũ sắc của Huế. Những ngày Tết, người Huế còn có thêm món mứt gừng. Đón chén trà nóng từ tay bạn hiền trao, nếm lát mứt gừng Kim Long nổi tiếng có vị ngọt ,hơi cay nồng ấm thế là như thấy cả một mùa mùa xuân đang về trong đất trời và trong cả lòng người.
Thú vui uống trà bây giờ đã trở nên phổ biến trong đời sống của nhiều người dân Huế từ già đến trẻ. Người ta tìm thấy một sự tĩnh tâm, lắng đọng khi uống trà. Trong không gian xanh mướt của những ngôi nhà vườn xứ Huế, con người được giải toả khỏi những áp lực công việc, tìm thấy chính mình trong sự tĩnh lặng và sâu sắc mà hương vị chén trà đem lại. Đó chính là ý nghĩa cuối cùng của thú uống trà mà nhiều người đã chiêm nghiệm và thu nhận lại cho chính mình, làm giàu có đời sống tinh thần của bản thân và cũng là của vùng đất Huế.