Trà đạo, nghệ thuật của sự tinh tế và kiên nhẫn

16:18, 13/11/2011

Pha trà là một nghệ thuật đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự nhận biết tinh tế về kĩ thuật pha và loại trà. Vì thế trong Trà đạo yêu câu phải có những đạo cụ dùng trong việc pha chế và thưởng trà riêng biệt.

Trà : tùy theo hệ phái nào mà trà được sử dụng cũng có nhiều sự khác biệt. Hệ phái sử dụng trà bột: thường dùng loại trà có màu xanh tươi, được phơi khô và xay nhuyễn thành bột. Khi uống thì bột trà được hòa tan và uống hết. Hệ phái sử dụng trà nguyên lá, chỉ lấy nước tinh chất từ lá trà, bỏ xác, thường sử dụng loại trà cho nước màu vàng tươi, hay màu xanh nhẹ. Lá trà được phơi khô, pha chế trong bình trà, lấy tinh chất, bỏ xác.

 

Phụ liệu : Ngoài nguyên liệu chính là trà bột hay trà lá, người pha chế còn cho thêm một số thảo dược, các loại củ quả phơi khô, đậu để làm tăng thêm hương vị cho chén trà, hay quan trọng hơn là mang tính trị liệu, rất có lợi cho sức khỏe, giúp người bệnh mau hồi phục thể chất lẫn tinh thần.

 

Nước pha trà : Thường là nước suối, nước mưa hay nước đã qua khâu tinh lọc.

 

Ấm nước: Đun nước cho sôi lên để pha trà.

 

Lò nhỏ : Một cái bếp lò nhỏ đủ để bắc chiếc ấm lên.

 

Chén trà : Để đựng trà cho khách thưởng thức.

 

Hủ, lọ đựng trà : Chiếc hủ này cũng được trang trí rất đẹp, tăng tính thẩm mỹ và làm cho trà đựng bên trong tăng thêm giá trị.

 

Khăn nhỏ: Dùng để lau chén trà và các đạo cụ pha trà khác.

 

 

Muỗng múc trà : Là chiếc muỗng dài, được làm bằng tre hay sứ, mỗi một chén trà chỉ dùng một muỗng mà thôi (trà bột).

 

Gáo múc nước: chiếc gáo nhỏ, dài để múc nước từ trong ấm nước ra chén trà.

 

Bình trà: Để pha trà lá (thông thường trong Trà đạo hay sử dụng bột trà xanh - Matcha).

 

Tách trà nhỏ: Để thưởng thức loại trà lá.

 

Đạo cụ khuấy trà bằng trúc

 

Bánh ngọt: Dùng bánh trước khi uống trà sẽ làm cho khách cảm thấy hương vị đậm đà đặc sắc của trà.

 

Một cuộc thưởng Trà đối với người Nhật là một nghi lễ. Thời gian tổ chức Chanoyu cũng được quy định rất chặt chẽ: thưởng trà sáng (7h), sau ăn sáng (8h), giữa trưa (12h) và buổi tối (18h). Khi khách được mời đến trước hết phải rửa sạch tay trên một chiếc cối đá đựng đầy nước được đặt trước cửa Trà thất trước khi vào phòng. Cửa ra vào có một ô cửa cao gần 3 thước để khách tháo giày đi vào. Khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn. Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình.

 

 

Trong số khách, người tinh thông Trà đạo được cử làm người chủ trì hoặc chủ nhân. Người pha trà gọi là Trà nhân. Trong Trà thất có đặt bếp lò và nồi nước bằng gốm, trước bếp đặt bộ đồ trà. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính.

 

Có hai cách pha trà: pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, thơm và hơi chát. Trước hết, phải đun nước bằng bếp lò than, bằng kinh nghiệm những Trà nhân sau khi nhận biết nước trong nồi đun vừa đủ độ nóng thích hợp để pha trà (khoảng 60C), bằng động tác thuần thục họ mới bắt đầu tráng dụng cụ pha trà. Sau đó, Trà nhân múc hai muôi gỗ trà cho vào bát, tiếp dùng gáo gỗ múc nước trong nồi đun chế vào bát trà.

 

Dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu và làm cho trà được hòa vào nước mà vẫn giữ nguyên phẩm chất và hương vị của nó. Trà nhân mời khách dùng trà với một cung cách lễ phép kiểu Nhật. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng kèm theo tiếng “khà” để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của Trà nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức Trà đạo cũng kết thúc

 

Toàn bộ nghi thức Chanoyu cổ truyền cần từ 3-4 tiếng, trải qua các giai đoạn sau: Bước đầu tiên được gọi là “Hoài thạch”. Sau khi những người khách đã an vị, chủ nhà sẽ mời khách dùng một ít thức ăn điểm tâm Trong khi Trà nhân đun nước thì khách dùng điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm căn cứ vào thời tiết. Ví dụ như tổ chức trà đạo vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc, vào mùa xuân thì điểm tâm là hoa anh đào...

 

 

Bước thứ hai là “Trung lập”. Khách sau khi dùng món điểm tâm xong sẽ đi xuống Trà đình và ngồi nghỉ tại đó. Sau đó là “Ngự tòa nhập”, lúc này khách sẽ được dâng “trà đặc” để thưởng thức. Và cuối cùng là dùng “trà loãng”. Ngày nay có rất nhiều cuộc thưởng trà, và người ta đã đơn giản hóa nó đến mức chỉ còn bước cuối cùng.