Về "Con đường huyền thoại"

11:15, 07/11/2011

Càng gần ngày khai mạc Liên hoan Trà, các khu vực diễn ra Lễ hội ở Thái Nguyên như sôi động hơn bởi không khí khẩn trương của những người thợ đang lao động miệt mài, dựng lên những sân khấu lớn, những gian hàng nhỏ giới thiệu sản phẩm.

Nổi bật bên các trục đường là những tấm pa nô, biển quảng cáo về chè rực rỡ sắc màu. Ấn tượng nhất phải kể tới trục đường phân cách giữa Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam với Công viên T.P Thái Nguyên - đoạn đường được Ban tổ chức Liên hoan Trà lựa chọn xây dựng thành "Con đường huyền thoại trà".

 

Khi ngắm nhìn con đường "đang sắp thành" huyền thoại, Ông Trần Xuân Hiền, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên phấn chấn bảo: Phải lắm, Thái Nguyên đã có một huyền thoại Hồ Núi Cốc, nay có thêm "Con đường huyền thoại". Vì trà mới là một nét đặc trưng cơ bản của vùng đất, con người Thái Nguyên...

 

Trên "con đường huyền thoại" mới tinh khôi, lòng thư thái nhìn ngắm mọi người qua lại, ông Võ Văn Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Sự kiện & Truyền thông Việt 21, đơn vị thi công "con đường huyền thoại trà" cho biết: Trên đoạn đường dài gần 100m này, chúng tôi sử dụng 7 module thông tin để trang trí và trình bày những thông tin. Trong module lại được cấu tạo bởi 4 bảng thông tin. Tộng cộng mỗi module thông tin có 8 mặt để trưng bày các thông tin cần thiết phục vụ cho Lễ hội.

 

Có thể nói, Ban Tổ chức đã chọn được một địa điểm lý tưởng để xây dựng "Con đường huyền thoại". Một đầu đường tiếp giáp với trục đường dẫn ra sân Quảng trường 20-8, khu vực giao lưu về trà - Văn hóa trà và trình diễn nghệ thuật. Một đầu đường tiếp nối với đường Thanh Niên chạy dọc bên bờ sông Cầu. Đầu đường được dựng lên một cổng lớn rộng 18m mang hình nửa tròn địa cầu. Anh Trần Văn Bình đang cùng nhóm thợ thi công đã cho chúng tôi biết: Cổng chính làm khung giàn không gian gia cố, có mặt gỗ MDF dày tạo khuôn, bề mặt dán đề can Pb ngoài trời cán mờ, có hệ thống đèn nghệ thuật chiếu sáng khi trời tối, khung inox cắm cờ của các quốc gia tham dự Lễ hội. Còn cuối đường được trang trí bởi tiểu cảnh ấm trà đời Lý. Ấm trà cao 3m, đế rộng 8m. Chất liệu Ấm trà được làm bằng nhựa composit, đế làm bằng nhôm alu... Cũng ở đoạn cuối con đường, anh Nguyễn Văn Tuấn đang cùng nhóm thợ Bắc Ninh tập trung hoàn thiện các khung, giàn treo tấm pa nô, tranh ảnh cho biết: Để hoàn thành con đường đúng tiến độ, chúng tôi dựng lán ăn, ở tại công trường. Còn vật liệu xây dựng bằng tre, luồng do chúng tôi mang lên từ Bắc Giang.

 

Ông Võ Văn Tâm thông tin thêm: Hơn 30 người thợ lành nghề đã thi công liên tục trong gần 15 ngày mới hoàn thiện con đường. Vất vả, song chúng tôi thấy vui vì đã đóng góp cho người dân Thái Nguyên, cũng như du khách đến với Liên hoan Trà được chiêm ngưỡng, thưởng thức một nét đẹp văn hóa diễn ra trong Lễ hội... Qua trao đổi chúng tôi còn được biết: Thông qua các module dựng bên con đường, du khách có thể nắm bắt được nhanh nhất các thông tin về lịch sử trà và các nền văn hóa trà nổi tiếng thế giới, như Trà Kinh (Trung Quốc), Trà Đạo (Nhật Bản), Trà Lễ (Hàn Quốc); đồng thời biết được các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới sử dụng trà, về lịch sử trà Việt và các vùng gieo trồng chế biến chè trên đất nước; về vùng chè Thái Nguyên nổi tiếng; về những thương hiệu trà Việt; về tiềm năng phát triển của chè Việt Nam; văn hóa trà Việt Nam, trong đó có cách sử dụng trà, nghệ thuật thưởng trà; về dụng cụ pha chế, sử dụng trà tại Việt Nam. Xen giữa những module về trà còn có 5 cụm hình tượng sống động do diễn viên mang trang phục dân tộc và bao gồm các tầng lớp xã hội Việt Nam xưa, gồm nhóm người cao tuổi, người có chức sắc, trí thức, nông dân, thanh thiếu niên nam nữ. 5 cụm trà gồm: Thiền định; trà với việc đọc sách thánh hiền và nghệ thuật thư pháp; trà và thú chơi cờ tướng, tổ tôm; trà và sinh hoạt thờ thánh mẫu; trà và các hình thức biểu diễn nghệ thuật cộng đồng.

 

Trong thời gian diễn ra Lễ hội "Con đường huyền thoại" phản ánh về đời sống sinh hoạt của người dân và một số trò chơi của cộng đồng, vì thế con đường trở lên sinh động, gần gũi với khách thăm quan. Các trò chơi dân gian thể hiện những sinh hoạt cộng đồng, nữ mặc yếm váy, áo dài tứ thân, đội nón quai thao; nam giới mặc áo the, khăn xếp, trẻ em nam, nữ vận quần đen, áo cánh nâu... Trên con đường còn được trình diễn động như: Hái chè, gánh chè tươi, chè mạn hảo đi bán rong, những người đội lễ lên chùa đi cúng tiến... Các màn trình diễn trên "Con đường huyền thoại" giúp cho khách thăm quan hiểu rõ hơn mối dây liên hệ khăng khít giữa trà với đời sống của người Việt.