Những loại trà Việt có thể bạn chưa biết

14:27, 09/12/2011

Từ lâu, văn hóa trà đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng và tinh tế của người Việt Nam. Không quá cầu kỳ như trà đạo Nhật Bản, không huyền bí như trà Trung Hoa, thói quen uống trà của người Việt đã có từ lâu đời, giản đơn, mộc mạc và chứa đầy nghĩa tình. Trà Việt thường được chia làm ba loại là: trà hương, trà mạn và trà tươi.

Trà hương là loại trà đặc trưng của Việt Nam, thưởng thức chén trà thấm đượm hương hoa mang lại cho người uống cảm giác thư thái, dễ chịu vô cùng. Nó vừa thể hiện sự sang trọng, lịch lãm, vừa thể hiện sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người. Trong trà Việt, sáu loại hoa bắt hương nhất thường được dùng để ướp trà là: nhài, cúc, ngâu, sói, mộc và sen. Thưởng thức một chén trà Việt với màu nước trà vàng – sáng – trong - xanh, hương trà và hương hoa hòa quyện vào nhau tạo nên bao ý nghĩa sâu xa. Này nhé… vị đắng chát của trà như gợi lên nỗi vất vả, cần cù của người Việt thì vị dịu ngọt của hương hoa lại gợi đến tâm hồn người Việt giàu tình, giàu nghĩa. Có thế mà việc uống trà tưởng như giản đơn nhưng lại có thể kết nối con người ta gần nhau hơn.

Trong các loại trà hương, phổ biến nhất có lẽ là trà ướp hương nhài, loại hoa dễ trồng, có hương thơm ngào ngạt. Hương nhài thường rất “bén” với trà xanh, đặc biệt là trà Thái Nguyên, tạo nên một vị trà rất đặc trưng. Hoa cúc thường được hái vào mùa thu, phơi héo rồi cho trực tiếp vào ấm trà nóng để hương hoa quyện vào trà. Hoa ngâu cánh mỏng như giấy, mang lại cho vị trà hương thơm thoang thoảng, dìu dặt. Hoa sói lại mang hương thơm dịu và ngọt hơn. Hoa mộc li ti có mùi nồng đượm và lan xa. Mỗi dịp Tết đến, người Việt xưa thường thưởng thức thứ trà ngũ hương được chuẩn bị khá cầu kỳ. Năm loại hoa nhài, sói, ngâu, mộc, cúc được đặt trên một chiếc khay đặc biệt với năm ô trũng chứa từng loại hoa. Chén trà nhỏ sau khi tráng qua nước sôi cho nóng được úp lên từng cụm hoa, giữ khoảng ba phút cho hương hoa quyện vào. Trà nóng bỗng trở nên thơm hương lạ lùng. Có người thích rót trà với chén ướp từng loại hương riêng, nhưng có người lại chuộng uống trà có sự tổng hòa của ngũ hương.

 

 Trà hương sen lại là một sản phẩm độc đáo của văn hóa trà Việt, với cách cho trà vào ủ giữa từng cánh sen rồi cột chặt lại và hương sen nhẹ nhàng cứ thế thấm đượm vào từng lá trà.

 Ngoài ra, ta còn có trà hoa sứ. Đây là một loại trà hương đặc biệt bởi hoa sứ không thể ướp trực tiếp vào trà như các loài hoa trong ngũ hương, chỉ có thể thưởng hương bằng một chén nhỏ nóng úp lên hoa rồi dùng chính chiếc chén đó để uống trà mà thôi.

Một loại trà phổ biến khác ở Việt Nam là trà mạn, thứ trà không ướp hương nhưng chú trọng đến sự tinh tế trong cách thưởng thức trà. Trà mạn có những tiêu chuẩn phức tạp về trà, nước pha trà, ấm uống trà, cách pha trà và cách thưởng trà. Trà mạn có hai loại chính là: trà Tàu và trà thiền. Nếu như trà Tàu ảnh hưởng nhiều từ tinh thần và phong cách của trà Trung Hoa, thường thì trà thiền là cách uống trà mang nặng tính thiền, lấy trà làm duyên để hướng vào nội tâm. Trà thiền nhằm giáo dục con người, giúp người ta qua cách thưởng trà mà tu tâm dưỡng tính. Theo truyền tụng, hình thức uống trà thiền được khởi nguồn từ các chùa chiền. Tại đây, nhà sư thường uống trà trước các buổi thiền sớm chiều. Họ tâm niệm rằng cuộc đời trần tục nhiều hệ lụy, trà giúp cho con người tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục, xoá tan cảm giác tĩnh mịch chốn thiền môn.

Trà hương và trà mạn đều là những loại trà phổ biến, độc đáo của người Việt nhưng cổ xưa nhất thì phải kể tới trà tươi. Lá chè tươi được vò nhẹ, cho vào nồi nấu, sau đó thưởng thức bằng bát sành lớn. Tại những làng cổ, các gia đình trong làng thường luân phiên nấu trà mỗi tối để thiết đãi cả làng. Người ta cũng có thể dùng lá chè tươi rửa sạch rồi đem hãm giống như cách pha trà khô. Tức là đun nước sôi rồi chế vào ấm có bỏ sẵn lá trà. Sau 3-5 phút là có thể có chén trà ngon. Qua đó, ta có thể thấy rằng trà tươi chính là cách thưởng trà hun đúc tình làng nghĩa xóm, làm con người thân thiện và gần gũi nhau hơn.

 

Từ lâu, trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng, văn hóa trà Việt không chỉ thể hiện một thứ thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày mà còn trở thành một phong tục tập quán, một thú vui thanh cao của người Việt.

Khách đến nhà, gia chủ phải đích thân pha trà mời khách như một cách tiếp đón nồng hậu. Bởi mời trà là một cách biểu hiện tình hiếu khách của hầu hết các gia đình Việt Nam. Người Việt dù ở tầng lớp nào, là người miền xuôi hay miền ngược, từ thành thị đến nông thôn cũng đều coi trọng nét văn hóa trà Việt.

Người Việt thưởng thức trà theo từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết cái dư vị thơm ngon của trà và cảm nhận hơi ấm của chén trà đủ để làm nóng bàn tay trong mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người mời trà, để dốc bầu tâm sự. Chính những cách thể hiện này tạo nên nét văn hóa, sự thanh cao, tình tri âm, tri kỷ giữa người với người. Uống trà đôi khi còn là sự độc thoại với nội tâm, là sự xét đoán tâm lý người đối thoại, là tìm đến sự tỉnh táo, tĩnh tâm, xua tan mọi phiền muộn trong cuộc sống.

Trong những dịp lễ tết, lễ ma chay, cưới hỏi, trà là thứ không thể thiếu. Trà xuất hiện trên ban gia tiên của mỗi gia đình, trên mâm lễ hỏi của nhà trai sang nhà gái, trà dùng để mời khách khứa, họ hàng hai bên... Vui cũng trà mà buồn cũng trà.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong văn hóa trà Việt, người xưa hay có câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh", đó chính là cái thú thưởng trà thực thụ.

Nhất thủy - để có một ấm trà ngon, trước tiên phải chú ý đến nước. Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các nguồn suối tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm mai. Thứ nước tinh khiết đó khi đun cũng không được phép mất độ thanh tịnh để không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà.

 

Nhì trà - đứng thứ hai sau nước là cách chọn trà: tùy theo sở thích mỗi người, có người thích dùng trà nguyên, hay chính là "trà mộc" cánh trà sao quăn giống hình móc câu, cánh tròn, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Trà này được pha ở nhiệt độ 80oC.

Tam bôi, tứ bình chính là dùng để chỉ chén trà và bình trà: một bộ đồ trà thường có bốn chén quân, một chén tống để chuyên trà; chén thường là loại chén dạng hạt mít (mắt trâu). Bình cũng có bình chuyên và bình tống. Tùy theo lối uống "độc ẩm", "song ẩm", "tứ ẩm" hay "quần ẩm" mà có những loại bình tương ứng. Trước khi pha trà, phải dùng nước sôi để tráng sơ chén và bình.

Và cuối cùng, ngũ quần anh là bạn trà. Tìm "bạn trà" còn khó tìm hơn "bạn rượu". Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm, hay bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái để cảm thấy trong trà có cả hương vị của đất trời, cỏ cây, cuộc sống.

Ngày nay, có lẽ hơi khó để tìm được nơi giữ nguyên cái thú thưởng trà thực thụ "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Thế nhưng, bình trà vẫn sẽ luôn được hãm nóng, chén trà vẫn luôn dậy hương thơm vị trà, và người dùng trà vẫn sẽ khoan thai, từ tốn mà thưởng thức, nhâm nhi từng ngụm trà, để nét văn hóa trà Việt vẫn sẽ được gìn giữ mãi về sau.