Bước tiến của thể thao châu Á

10:52, 05/08/2008

Sau 32 năm kể từ Olympic hiện đại đầu tiên, thể thao châu Á mới vươn tới các ngôi đầu, trong khi các đoàn châu Âu, châu Mỹ, châu Ðại Dương đã giành hàng trăm chức vô địch ở mỗi đại hội, còn châu Phi đã có huy chương vàng từ Thế vận hội lần thứ tư ở Luân Ðôn (Anh) 1908. Song, những bước tiến nhanh và ổn định ở Thế vận hội 2000 và 2004 đã làm thay đổi vị thế, khả năng của thể thao châu Á...

Các quốc gia châu lục rộng lớn và đông dân nhất thế giới không có mặt ở các Olympic hiện đại đầu tiên. Nhiều kỳ đại hội tiếp theo chỉ có vài đoàn châu Á với số lượng VÐV rất ít, chất lượng chưa cao và hầu như đến đại hội chỉ để góp mặt. Thế vận hội lần thứ bảy 1920, các đoàn châu Á mới giành hai huy chương bạc, đại hội lần thứ chín 1928 mới có ba huy chương vàng.

Dù rất cố gắng, các Thế vận hội từ 1932 đến 1960, mỗi đại hội châu Á chỉ giành từ một đến năm chức vô địch. Khi Thế vận hội đến Nhật Bản năm 1964, có thêm yếu tố sân nhà, châu Á mới nâng lên 17 huy chương vàng và đây là đại hội thi đấu thành công nhất tới thời điểm đó. Kinh tế châu Á có những thành công gây ấn tượng, đầu tư cho thể thao tăng nhanh và trở thành khu vực "chịu chơi" nhất trong làng thể thao thế giới. Rất nhiều chuyên gia giỏi, huấn luyện viên nổi trội của các cường quốc từng môn thể thao đã tới tấp đến các quốc gia châu Á. Các tài năng trẻ được gửi đi đào tạo, tập huấn dài hạn ở các nước có nền thể thao phát triển nhất. Sân bãi, nhà thi đấu, cơ sở vật chất phục vụ TDTT được xây mới, nâng cấp, hiện đại hóa ở nhiều quốc gia, lãnh thổ. Các giải quốc tế lần lượt đến châu lục này. Ðại hội thể thao các khu vực và châu lục được các quốc gia, lãnh thổ quan tâm và thật sự thành cuộc "tổng duyệt" lực lượng trước khi đến Thế vận hội. Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trở lại châu Á mang đến những tiến bộ của thể thao châu Âu. Mới đây Australia gia nhập Liên đoàn Bóng đá châu Á đưa đến lối chơi của châu Ðại Dương, cũng góp phần thúc đẩy nhanh hơn bước tiến của thể thao châu Á.

Từ 87 huy chương, trong đó có 32 huy chương vàng ở Thế vận hội Los Angeles (Mỹ) 1984, tăng lên 130 huy chương (37 huy chương vàng) Seoul (Hàn Quốc) 1988, các đoàn châu Á giành 146 huy chương, có 50 chức vô địch ở Thế vận hội Sidney (Australia) 2000. So với Thế vận hội 1928 (lần đầu có huy chương vàng), số chức vô địch đã tăng gấp 17 lần. Bốn năm trước ở Athen (Hy Lạp), thành tích của các đoàn châu Á gây ấn tượng mạnh và được đánh giá là bước ngoặt của sự tiến bộ. Giành gấp đôi số huy chương, gấp rưỡi số huy chương vàng so với Sidney 2000, ba đoàn châu Á còn vào nhóm chín nước dẫn đầu đại hội, trong đó Trung Quốc xếp thứ nhì, Nhật Bản thứ năm và Hàn Quốc thứ chín. Các đoàn Thái-lan, Iran, Ðài Loan, Uzbekistan, Kazakhstan, Indonesia, Azecbaijan, các tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất... cũng có những bước tiến mới. Ðất nước chưa thật sự bình yên, đội tuyển bóng đá nam Iraq tiến một mạch tới vị trí thứ tư Olympic 2004. Các VÐV châu Á còn có thành tích cao ở các môn thể thao mùa đông, vốn là ưu thế của châu Âu, châu Mỹ và nổi trội ở các nội dung chưa là sở trường.

Sau Thế vận hội Athen 2004, ông Rogge, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã ca ngợi bước tiến nhanh chóng của thể thao châu Á và nhận định khu vực này sẽ sớm thành thế lực mới của thể thao toàn cầu. Khi đội tuyển bóng đá Hàn Quốc vào bán kết World cúp 2002, các quan chức FIFA gọi là "thành công vượt cả giấc mơ ngông cuồng nhất".

Những bước tiến nhanh và ổn định ở Thế vận hội 2000 và 2004 đã làm thay đổi vị thế, khả năng của thể thao châu Á. Khác với Thế vận hội 1964 ở Nhật Bản, 1988 ở Hàn Quốc, lần này các quốc gia, lãnh thổ châu Á sẽ tận dụng tốt hơn lợi thế sân nhà. Nhiều đoàn châu Á lần đầu có huy chương và huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh và số nước giành thành tích cao hơn đại hội trước cũng sẽ nhiều hơn. Có thể từ ba đến năm đoàn châu Á vào nhóm nước thi đấu thành công nhất Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Ðể chuẩn bị cho kỳ đại hội trên sân nhà, bốn năm sau đó, nhiều VÐV trẻ, thậm chí rất trẻ đã tới Athen 2004, nhưng đoàn Trung Quốc vẫn vượt chỉ tiêu huy chương vàng và dẫn đầu suốt thời gian thi đấu, hai ngày cuối cùng mới chịu kém Mỹ ba chức vô địch. Ðiều này chứng tỏ tiềm năng và sự chuẩn bị chu đáo của đoàn chủ nhà Olympic 2008, nên Trung Quốc nhiều khả năng đứng đầu đại hội, thậm chí bỏ xa các đoàn còn lại. Nếu những dự đoán trước đại hội thành hiện thực, trật tự thể thao toàn cầu sẽ thay đổi, nghiêng về châu lục chủ nhà Thế vận hội lần này. Ðã đến thời của thể thao châu Á.