Bóng đá Thái Nguyên: Thiếu đủ bề

15:26, 08/09/2008

Liên tục thất bại ở các vòng chung kết toàn quốc, các giải Quốc gia cho thấy bóng đá Thái Nguyên ngày càng xa rời thành tích của những năm 1998, 1999, 2000 khi mà đội tuyển bóng đá thiếu niên, nhi đồng Thái Nguyên thay nhau giành ngôi vô địch. Những trận đấu trên sân nhà của các đội bóng Thái Nguyên cũng không còn thấy hình ảnh hàng ngàn người hâm mộ đến xem và cổ vũ vì đã từ lâu không còn những trận đấu thực sự xuất sắc của các cầu thủ đội tuyển tỉnh.

Đội tuyển bóng đá nữ Thái Nguyên mặc dù đã được thành lập và tham gia thi đấu được 5 năm trong hệ thống Giải vô địch Quốc gia và các giải khác nhưng cũng chưa một lần đoạt giải. Còn ở giải Bóng đá thiếu niên, nhi đồng Toàn quốc, đội tuyển thiếu niên, đội tuyển nhi đồng của tỉnh nhiều năm qua cũng chỉ đạt thành tích cao nhất là lọt vào vòng chung kết sau khi vượt qua được vòng loại với các tỉnh trong khu vực. Chỉ duy nhất có đội tuyển nữ U18 là giành được hai giải Ba ở Giải trẻ Quốc gia năm 2007 và năm 2008.

Nguyên nhân trước tiên của tình trạng trên là do công tác tuyển chọn, phát hiện vận động viên từ tuyến phong trào ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Huấn luyện viên Trần Độ Quang đã từng có trên 10 năm kinh nghiệm tuyển chọn và huấn luyện các đội tuyển bóng đá thiếu niên, nhi đồng của tỉnh, ông đã từng phát hiện và bồi dưỡng nhiều cầu thủ xuất sắc như: Lương Mạnh Thắng, Nguyễn Khắc Tùng, Trang Hồng Sơn… nhưng hiện giờ ông cũng rất khó tìm được những cầu thủ xuất sắc như vậy. Ông Quang cho biết: “Những năm 1999, 2000, các huyện, thành, thị đều có hàng chục đội bóng của các xã, phường, các trường phổ thông thường xuyên thi đấu. Hiện nay số các đội này còn rất ít, chủ yếu là các đội bóng của các trường phổ thông được tuyển chọn không sâu, thời gian tập luyện ít và cũng không còn nhiều các giải phong trào cho các đội thi đấu như trước kia”.

Việc tuyển chọn cầu thủ nữ còn khó khăn hơn khi mà ở tuyến phong trào hầu như không có các đội tuyển bóng đá nữ. Các cầu thủ khi được lựa chọn về đội tuyển cũng mới có điều kiện để luyện tập thường xuyên và tham gia thi đấu để cọ xát. Bên cạnh đó nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới thành tích thi đấu của các cầu thủ là do nguồn kinh phí dành cho bóng đá của tỉnh còn hạn hẹp. Điều kiện sinh hoạt, tập luyện của các vận động viên còn nhiều thiếu thốn. Do nguồn kinh phí ít nên các đội tuyển không được luyện tập thường xuyên mà chỉ tập trung luyện tập mỗi khi có giải thi đấu. Hiện nay, chỉ có một số cầu thủ của 2 đội tuyển bóng đá thiếu niên và nhi đồng được luyện tập thường xuyên thông qua chương trình phối hợp đào tạo của  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Đội tuyển bóng đá ACB Hà Nội. Ngoài ra, chế độ ăn hằng ngày thấp so với giá cả thị trường hiện nay (35 nghìn/ngày luyện tập, 50 nghìn/ngày thi đấu) cũng làm ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của cầu thủ. Ông Đoàn Viết Triều, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nữ cho biết: “Với suất ăn như vậy, cầu thủ của tôi thường xuyên phải ăn thêm bên ngoài mới bảo đảm đủ năng lương cần thiết cho tập luyện.”

Với chủ trương xã hội hóa bóng đá, ngành Thể dục Thể thao trước đây đã từng kêu gọi các nhà tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá nhưng không hiệu quả do thiếu các đề án, chương trình phát triển dài hạn. Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập đề án thành lập Liên đoàn bóng đá Thái Nguyên trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông Lưu Công Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết “Khi đi vào hoạt động, Liên đoàn bóng đá tỉnh sẽ đóng vai trò là cơ quan tổ chức xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho bóng đá của tỉnh nhà, thúc đẩy phong trào bóng đá ở cơ sở phát triển đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa bóng đá, tăng sức hút đối với các nhà tài trợ quan tâm cho bóng đá.” Hy vọng rằng, với hoạt động của Liên đoàn bóng đá, phong trào bóng đá trên cả tỉnh sẽ được quan tâm phát triển mạnh mẽ, bền vững và sẽ giành được nhiều thành tích cao.