ĐTVN: Tấn công hay phản công?

14:04, 27/10/2008

Sẽ là không chính xác khi nói sự rút lui vào phút chót của Uzbekistan tại T&T Cup chẳng ảnh hưởng chút nào tới lộ trình của ĐTVN, vì nó lấy đi của thày trò ông Tô 1 trận đấu và lấy mất một cơ hội để kiểm nghiệm lối chơi trong khi quỹ trận đấu thử nghiệm của ĐTVN đã hạn hẹp.

Thực ra, tới thời điểm này mới nói việc định hình lối chơi thì đã là khá muộn. Quỹ thời gian đang ngót đi từng ngày (chỉ còn chừng 5 tuần tới ngày khai mạc AFF Cup) trong khi chỉ còn vài trận cọ xát nữa, nên đây là lúc hoàn thiện lối chơi đã xác định.

Nếu căn cứ vào những gì đã diễn ra ở Cúp TP HCM thì lối chơi của đội tuyển do ông Tô chủ trương và hướng các cầu thủ của mình theo chính là tấn công.

Còn căn cứ vào trận đấu với Singapore, có thể thấy đội tuyển đã tấn công không nổi, nhất là trong hiệp hai. Nói chính xác, ông Calisto vẫn muốn các học trò của mình chơi tấn công thông qua việc kiểm soát thế trận và kiểm soát bóng. Có điều, khi cả 2 điều kiện trên đều không thực hiện được, kết cục là ĐTVN chơi khá bị động.

Khi tấn công không đồng nghĩa với chiến thắng

Tiếc một điều là ĐTVN lại chưa thu hoạch được kết quả nào từ lối chơi tấn công ấy. Thậm chí, có những thời điểm, đội tuyển tấn công khá tự phát, thiếu tính định hướng, và hầu như không có mảng miếng cụ thể.

Tình trạng này khiến một số người nghi ngờ và đặt câu hỏi liệu đội tuyển có nên tiếp tục duy trì lối chơi tấn công hiện nay hay không, hay chuyển sang xây dựng phương án phòng ngự phản công một cách có chủ động.

Bởi, ĐTLA dưới thời ông Tô chưa bao giờ mạnh mẽ với lối chơi tấn công. Kể cả khi ông có đầy đủ các cá nhân cần thiết thì Gạch vẫn chỉ đáng gờm và tiếp cận với chiến thắng thông qua lối chơi phòng ngự phản công, hoặc tấn công tùy theo từng thời điểm.

Bởi, ĐTVN qua các thời kỳ cũng không phải là đội bóng giỏi trong kỹ năng tấn công. Hầu hết những trận đấu đáng nhớ và có được kết quả cụ thể cũng vẫn chỉ là phòng ngự phản công.

Và bởi một điều quan trọng nhất là nguồn lực cầu thủ ông Calisto hiện có trong tay, vừa không đủ để ông xây dựng nên lối chơi ấy, và vừa không thể tạo nên một cán cân tương đối với các đối thủ chính ở AFF Cup tới đây như Singapore và có thể là cả Thái Lan.
Chúng ta đã có sự trải nghiệm với người Sing. Tới đây sẽ là người Thái. Nhưng nếu phải chờ đến sau cuộc đối đầu với người Thái mới xác định lối chơi thì có lẽ sẽ quá muộn vì khi ấy đội tuyển chỉ còn lại 1 trận lượt về với Singapore trong tay.

2 ngày nữa, thày trò ông Calisto sẽ bước vào trận đấu với CHDCND Triều Tiên. Đó sẽ là một trận đấu mà ĐTVN gần như không có cửa để chơi tấn công một cách chủ động, dù ở thời điểm hiện tại, thể lực của các cầu thủ đã tăng lên khoảng 20% như lời ông Tô xác nhận (Cúp TPHCM chỉ mới đạt 60%). Và đó cũng có thể được sử dụng như một cuộc thử nghiệm cho cách chơi phòng ngự phản công, hoặc tấn công trong những thời điểm thuận lợi.

Chính bởi vậy, như đã nói ở trên, việc Uzbekistan, một đội bóng có trình độ và đẳng cấp vượt trội so với chúng ta (kể cả khi họ không có tiền đạo ngôi sao Shatskikh) không tham dự T&T Cup cũng ảnh hưởng phần nào đó tới kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển, nếu thực sự là ông Calisto ấp ủ một kế hoạch thay đổi lối chơi.