Người của công chúng trước hết phải có văn hoá

16:03, 05/04/2009

Lâu nay, chuyện về giáo dục phẩm chất cho cầu thủ bóng đá đã được nói đến khá nhiều, nhưng trên thực tế, những tai tiếng mà các cầu thủ không kiềm chế được đã làm xấu đi hình ảnh của chính mình và môn bóng đá trong mắt người hâm mộ.  

Một cầu thủ nổi tiếng, là ngôi sao, là tuyển thủ quốc gia sẽ luôn được nhiều người mến mộ, được coi là Người của công chúng. Vinh dự rất lớn, nhưng nếu các cầu thủ không được giáo dục, rèn luyện, không tự học hỏi, rèn luyện để luôn có được hình ảnh tốt trong mắt người hâm mộ thông qua sự hiểu biết, cách hành xử văn hoá, nhân hậu và cao thượng thì họ sẽ chỉ là những đốm sáng, nhanh chóng lụi tàn trong mắt người hâm mộ mà thôi.

 

Chúng ta hãy xem những danh thủ trên thế giới như: L. Ia-sin, Pê-lê, Pra-ti-ni, B. Bao-ơ, Cru-ip…, họ tồn tại vĩnh hằng trong lòng hàng triệu người hâm mộ không chỉ bằng tài năng mà bằng cả đạo đức, phẩm chất cao thượng của cầu thủ lớn. Tại Việt Nam, cũng không thiếu những cầu thủ mà cuộc đời và sự nghiệp của họ luôn sáng mãi trong lòng người hâm mộ như: Phạm Huỳnh Tam Lang, Mai Đức Chung, Trần Văn Khánh, Ba Đẻn … và gần đây là những tuyển thủ thuộc thế hệ Vàng: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đỗ Khải, Phạm Văn Cường, Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn … Những cầu thủ, tuyển thủ quốc gia đó luôn xứng đáng là những Người của công chúng, luôn được mến mộ bởi họ có tài, có đức và trong hoàn cảnh nào họ luôn cống hiến hết mình cho bóng đá, cho người hâm mộ

 

Còn những chuyện một số tuyển thủ mới thành danh đã có những hành vi không đẹp, thiếu văn hoá mà người hâm mộ rất lấy làm tiếc. Những chuyện mà họ gây ra chắc chắn sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của họ, hơn nữa họ lại đang là những tuyển thủ khoác trên mình chiếc áo Đội tuyển quốc gia. Những Văn Quyến, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Hải Lâm, Phước Vĩnh … chắc sẽ rất lấy làm tiếc khi khó lấy lại được hình ảnh tốt đẹp trong mắt người hâm mộ như trước đây. Và, mới đây thôi, những người hùng của AFF Cup 2008, được cả nước mến mộ: Dương Hồng Sơn, Tấn Tài lại tự mình làm mờ đi hình ảnh, sự mến mộ trong công chúng bằng những việc làm thiếu văn hoá, thiếu kiềm chế không đáng có và không thể có ở Người của công chúng.

 

Có lẽ khi biết được tin về hai tuyển thủ trên có những việc làm đáng tiếc, người hâm mộ chắc chắn sẽ có những hẫng hụt về cầu thủ mà mình yêu mến. Đó chính là cái giá mà các ngôi sao phải trả cho hành động thiếu suy nghĩ, thiếu rèn luyện của họ. Cái giá đó lớn hơn bất cứ hình thức kỷ luật nào của các nhà quản lý.