Chuyên nghiệp không chỉ đơn thuần về chuyên môn

16:10, 09/05/2009

Bóng đá Việt Nam đã có gần 10 năm hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hoá. Từ cơ chế hoạt động, tài chính, cầu thủ và HLV… nhiều câu lạc bộ đã vận hành khá trơn chu theo hướng chuyên nghiệp hoá. Cũng đã có những câu lạc bộ từng bước tự chủ về tài chính qua hoạt động bóng đá. Hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hoá, chất lượng chuyên môn của bóng đá Việt Nam đã có nhiều tiến bộ.

Chất lượng V- League ngày một cao, quy tụ được nhiều cầu thủ giỏi của khu vực và thế giới tới đầu quân. V- League cũng được coi là mảnh đất màu mỡ cho nhiều cầu thủ đến lập nghiệp. V- league cũng được đánh giá là giải bóng đá gay cấn, chất lượng và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những thành công đó, nhìn nhận một cách công bằng, chúng ta dù đã qua nhiều năm làm bóng đá theo hướng chuyên nghiệp, nhưng thực chất tính chuyên nghiệp vẫn còn thua xa so với bè bạn về nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là tài chính và ý thức của cầu thủ về tính chuyên nghiệp của bóng đá. Việt Nam có 14 đội bóng thi đấu ở hạng chuyên nghiệp, nhưng số các đội tự chủ về tài chính còn rất ít. Đa số các đội đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của doanh nghiệp và nếu doanh nghiệp đó không mặn mà thì đội bóng đó rất khó khăn. Một câu lạc bộ chủ động về nguồn tài chính từ đào tạo cầu thủ, chuyển nhượng cầu thủ, thực hiện quảng bá thương hiệu đội bóng, quảng cáo, bán áo cầu thủ và các đồ lưu niệm để thu tiền chưa nhiều; cá biệt còn có câu lạc bộ hoạt động phải dựa vào ngân sách cấp của Nhà nước, của các bộ ngành… Vì vậy tốc độ phát triển của các câu lạc bộ theo hướng chuyên nghiệp còn hạn chế và mới chỉ tập trung chủ yếu vào vấn đề chuyên môn thông qua thuê cầu thủ, HLV.

Về ý thức của những người làm bóng đá cũng chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của bóng đá khu vực, châu lục và thế giới. Tầm suy nghĩ cho chiến lược phát triển bóng đá cho một tương lai dài chưa được nhiều câu lạc bộ quan tâm đúng mức, các đội mới chỉ chú tâm nhiều đến sự chuẩn bị cho một giải đấu và một mục tiêu cho một giải đấu là chính. Còn các cầu thủ, điểm yếu nhất của họ hiện nay chính là ý thức chuyên nghiệp chưa cao, thậm chí chưa có. Các cầu thủ thi đấu, luyện tập và sinh hoạt chưa có tính chuyên nghiệp cao, nhiều cầu thủ còn hút thuốc lá, uống rượu bia, sinh hoạt bừa bãi, ảnh hưởng đến thể lực. Đạo đức cầu thủ chưa được quan tâm và mang tính chuyên nghiệp. Cầu thủ thi đấu ác ý, cay cú ăn thua, ẩu đả trên sân, làm xấu đi hình ảnh của chính mình và của bóng đá. Các cầu thủ thi đấu cũng thiếu chuyên nghiệp khi quá lạm dụng việc câu giờ, ăn vạ và phản đối các quyết đinh của trọng tài một cách rất phản cảm. Chúng ta thử xem các cầu thủ B. Bình Dương và HAGL lao vào đấm nhau khi trận đấu kết thúc, rồi các cầu thủ Khành Hoà, Đà Nẵng thi đấu với quá nhiều pha bóng bạo lực tại vòng đấu thứ 12 thì biết bao giờ chúng ta mới có một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự như các quốc gia có nền bóng đá phát triển. Mong rằng những nhà quản lý bóng đá, những người làm bóng đá chuyên nghiệp, nhất là các HLV và các cầu thủ sớm khắc phục những điểm yếu để nhanh chóng theo kịp sự phát triển của bóng đá trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.